Với sứ mệnh đi trước mở đường, trong những năm qua tỉnh Khánh Hòa luôn ưu tiên những cơ chế chính sách ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngoài hàng loạt dự án trọng điểm, dự án do Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa cũng đã và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông lớn nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với sứ mệnh đi trước mở đường, trong những năm qua tỉnh Khánh Hòa với những cơ chế chính sách ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Đến nay, cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường tỉnh và một số dự án trọng điểm mang tính động lực kết nối thuận tiện, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triền du lịch (ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh); khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển để phát triển ngành logistics, các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.
Với lợi thế vừa có biển, đồng bằng, miền núi và nằm trên các trục giao thông quan trọng của đất nước về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không nên có đầy đủ các phương thức vận tải phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, nhất là định hướng phát triển hạ tầng giao thông theo Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 42/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành giao thông với sứ mệnh đi trước mở đường buộc phải chuyển mình mạnh mẽ.
Hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, dự án do Bộ GTVT thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh đang triển khai gồm: Dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Nha Trang – Cam Lâm và Dự án thành phần ĐTXD đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án thành phần ĐTXD đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Dự án xây dựng mới Cầu Xóm Bóng, thành phố Nha Trang thuộc dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các Quốc lộ; Dự án Cải tạo, nâng cấp công trình thiết yếu đoạn Nha Trang – Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM; Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM.
Cùng với các dự án giao thông Trung ương đầu tư, các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh cũng đang được khẩn trương triển khai các bước đầu tư xây dựng gồm: Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C (đường từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đi thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; đường Vành đai 2, thành phố Nha Trang; Nút giao Ngọc Hội; đường Tỉnh lộ 2; đường Tỉnh lộ 3; đường D30, thành phố Nha Trang; Các nút giao khu vực sân bay Nha Trang; Mở rộng nâng cấp các tuyến đường tỉnh....
Bên cạnh đó, một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai gồm: Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; Đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung, Nha Trang; Đường Tỉnh lộ 6 - ĐT.651G (đoạn 2); Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển, thành phố Nha Trang; Cải tạo, tổ chức giao thông nút giao đường vành đai 2 và đường Tố Hữu, kết hợp mở rộng cầu Quán Trường...
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết: Trong quá trình thực hiện việc phát triển, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn. Tuy nhiên, ngành giao thông vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong hệ thống các quy hoạch liên quan, từ quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch cấp thấp hơn. Phối hợp tốt với Bộ GTVT để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án được giao làm chủ đầu tư sớm hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh, đưa vào khai thác...
Nhằm phát triển và hiện đại hóa hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tập trung, kêu gọi, thu hút nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, từ các nguồn xã hội hóa, tài trợ, hỗ trợ đầu tư phát triển để hoàn thiện và phát triển hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Khánh Hòa theo các quy hoạch và định hướng đã xác định, đặc biệt các công trình có tính đột phá, liên kết vùng, có tính lan tỏa như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26B để kết nối đồng bộ đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Mở rộng đường Quốc lộ 27C từ Nút giao đường Võ Nguyên giáp đến Nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam…
Các dự án giao thông nêu trên sau khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, có khả năng liên kết thuận lợi các phương thức vận tải, đảm bảo thông suốt từ Trung ương tới địa phương.
Có thể bạn quan tâm