Trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có rất nhiều công trình, dự án xây dựng đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, công tác an toàn lao động chưa được chú trọng đúng mức.
Đụng đâu “quên” đó
Nhằm tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ) để ngăn chặn, giảm thiểu TNLĐ trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, để tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tại 18 công trình xây dựng cao tầng.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện đa số các nhà thầu chưa thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ với nhiều nguy cơ, yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra TNLĐ tại các công trình như: chưa có đầy đủ bao che, lắp dựng lan can hay đặt biển cảnh báo nguy hiểm đối với các hố sàn, hố thang máy, cửa ra vào máy vận thăng, cầu thang bộ, rìa các sàn tầng, các nguyên nhân này có thể dẫn đến TNLĐ ngã cao bất cứ khi nào.
Tại công trình xây dựng khách sạn Thanh Tình (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) do Công ty Cổ phần Xây dựng Top Dec thi công mỗi ngày có gần 100 lao động làm việc. Kiểm tra thực tế tại công trình, đoàn phát hiện đa số công nhân được trang bị bảo hộ lao động sơ sài. Những khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn lao động, đơn vị không đặt bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, cảnh báo an toàn. Bên cạnh đó, công trình lắp đặt lưới bảo vệ chống vật rơi, đổ sập còn sơ sài. Trên mặt sàn công trình, dây điện còn để vương vãi, lẫn lộn với những vật liệu dẫn điện. Các mối nối dây điện và các ổ cắm, phích cắm điện chưa đảm bảo an toàn.
Kiểm tra tại công trình xây dựng Nhà ở xã hội Bình Phú (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) do Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư thi công, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều vi phạm về các quy định an toàn vệ sinh lao động. Các công nhân ở đây chưa được trang bị và sử dụng trang phục bảo hộ lao động khi làm việc. Công trình sử dụng 2 vận thăng và 2 cẩu trục nhưng chưa thực hiện khai báo, đăng ký sử dụng. Những khu vực nguy hiểm chưa được cảnh báo, lưới bảo vệ còn sơ sài…
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra tại 18 công trình xây dựng thì chỉ có một vài đơn vị thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động. Những công trình còn lại, đa số chưa lắp đặt đầy đủ bao che, lan can an toàn; chưa đặt biển cảnh báo nguy hiểm đối với các hố sàn, hố thang máy, cửa ra vào máy vận thăng, cầu thang bộ, rìa các sàn tầng…
Đặc biệt, nhiều công trình không thực hiện nối đất hoặc nối trung tính đối với vỏ kim loại của máy, thiết bị thi công sử dụng điện trên công trường; dây điện để trực tiếp, vương vãi trên sàn thi công, giàn giáo và các bộ phận dẫn điện khác của công trình. Trong đó, hầu hết công trình xây dựng đều không bố trí người giám sát khi nâng cẩu vật tư, vật liệu; chưa lắp đặt đầy đủ lưới chống vật rơi xung quanh toàn bộ công trình, giàn giáo buộc chưa chắc chắn.
Đừng “quên” vì đó là mạng người
Xây dựng là lĩnh vực để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người nhiều nhất, có nhiều nguy cơ nhất; Việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại công trình xây dựng cần được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
06:16, 01/08/2018
16:46, 19/07/2018
16:43, 16/07/2018
09:30, 17/07/2018
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại 18 công trình xây dựng cho thấy nguy cơ mất an toàn lao động còn khá phổ biến. Trong khi đó, ý thức bảo vệ tính mạng của công nhân và chủ sử dụng lao động còn hạn chế.
Sau khi kiểm tra thực tế tại các công trình, ông Tri đã ký một lúc 15 văn bản (trong 1 ngày) yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Đồng thời, thực hiện các chế độ, quyền lợi về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động như: huấn luyện an toàn, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe trước khi bố trí công việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân…
Sau 30 ngày khắc phục những vi phạm, các chủ đầu tư, nhà thầu phải báo cáo bằng văn bản gửi cho Sở. Từ đó, Sở sẽ tiến hành kiểm tra lại để đánh giá việc thực hiện yêu cầu nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Nếu doanh nghiệp không khắc phục theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt, đồng thời đề nghị dừng thi công công trình…”. Ông Tri cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 174 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết và 32 người bị thương nặng. Trong số 9 người chết thì có 5 người tử nạn trong lĩnh vực thi công xây dựng, chiếm 55,6%. Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động chết người trong thi công xây dựng là do: điện giật 3 vụ; ngã từ trên cao 1 vụ; vật rơi, đổ sập 1 vụ.