Khi doanh nghiệp “lấn sân” giáo dục

Song Nhi 11/08/2018 17:09

Thị trường giáo dục đang tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tuy nhiên, đây cũng là thị trường rất nhiều thách thức cần “một cái đầu lạnh” để hóa giải.

Nối tiếp Vin Group, TH Group, mới đây, sau gần một năm tiếp quản Đại học Thành Tây, Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA) tổ chức lễ ra mắt Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) trực thuộc Tập đoàn, chủ yếu là nghiên  cứu ứng dụng, chuyển giao và Viện nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS), trực thuộc Trường đại học Thành Tây, thực hiện cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để phục vụ đào tạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư giáo dục khó vì đâu?

    15:45, 16/05/2018

  • Khoảng trống đầu tư giáo dục

    06:31, 27/08/2017

  • Đầu tư giáo dục vào Việt Nam: \"Sân chơi\" độc quyền!

    22:02, 11/07/2015

Áp lực cạnh tranh

Theo đại diện nhóm các nhà đầu tư tổ chức thuộc Tổ chức Tú tài Quốc tế tại Việt Nam hiện tại, có 4 yếu tố quan trọng chi phối giá trị của một thương hiệu giáo dục tại Việt Nam, là: 1, Cơ sở vật chất; 2, Bản thân thương hiệu (Brands); 3, Chất lượng; 4, Công nghệ.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Đại sứ của Tổ chức Tú tài Quốc tế tại Việt Nam cho biết nếu đầu tư giáo dục đúng nghĩa thậm chí 10 năm sau chưa chắc đã lấy lại được hết vốn. Ngoài những đòi hỏi đối với các nhà đầu tư như thủ tục, năng lực tài chính, cơ sở hạ tầng và các điều kiện ràng buộc đi kèm, gần đây nhất, chính sách về hạn chế tỷ lệ phần trăm con em bản địa theo học các trường Quốc tế 100% vốn ngoại tại VN, cũng là rào cản khiến nhà đầu tư “nhức đầu” trong cơ chế thu hút học sinh, học viên.

Nói riêng về phân khúc đầu tư cung cấp dịch vụ đào tạo nghề và kỹ năng mềm, một điều đáng lưu ý số cư dân có khả năng tài chính chi trả chi phí giáo dục đào tạo kỹ năng mềm cao cấp ở VN thường chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... các địa bàn này đắt đỏ mặt bằng, phí tuyển nhân sự, lương giáo viên cao, lại có nguy cơ bão hòa thị trường và bị ảnh hưởng thương hiệu vì… bát nháo chất lượng. Ngược lại, mức độ chi trả giáo dục ở nông thôn rất có hạn. Đó cũng là hạn chế với chính các nhà đầu tư.

Chọn “đường ngách” có dễ đi?

Trở lại câu chuyện của Phenikaa, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch tập đoàn này, người vừa trở thành cổ đông chi phối của Trường Đại học Thành Tây khẳng định: Đầu tư vào giáo dục đại học có hai mặt. Nếu đầu tư vào giáo dục đại học chỉ vì lợi nhuận trước mắt, đa phần người chủ sẽ không chú trọng đầu tư nhiều cho trường, cho chất lượng học, mà chỉ cốt tuyển sinh cho nhiều để thu học phí. Thực sự phải nói như vậy là ít có trách nhiệm với giáo dục… Nếu đầu tư một cách thực chất thì chưa chắc đã có lợi nhuận. Người ta sẽ bảo là mình viển vông, làm không có lợi nhuận thì làm làm gì.

Tuy vậy, ông Năng cũng chia sẻ: “Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là mình phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai. Nếu chỉ nghĩ từ ba đến năm năm để có nguồn thu, thì tôi thừa sức làm được. Nhưng tạo ra một trường đại học có tầm vóc là một chuyện khác, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Và bài toán tài chính không phải là vấn đề lớn đối với Tập đoàn Phenikaa”.

Do vậy, chính lãnh đạo của Trường Đại học Thành Tây xác định có thể năm năm đầu không có lãi, nhưng dứt khoát năm thứ 6 trở đi phải có lãi để đầu tư quay trở lại và phát triển tiếp.

Ông Năng khẳng định: “Năm năm đầu là thời điểm chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu cho các nhà khoa học làm việc. Với một nhà nghiên cứu lý thuyết thì họ không cần nhiều, họ chỉ cần một nơi làm việc, một cái máy tính, một cái server để họ lưu trữ dữ liệu, kinh phí dành cho họ chủ yếu là để trả lương. Còn với những nhà nghiên cứu có định hướng ứng dụng như khoa học vật liệu chẳng hạn, thì chi phí trang thiết bị thí nghiệm cho mỗi người sẽ vào khoảng 200-300 nghìn USD. Đầu tư nhiều nhất phải kể đến trang thiết bị cho sinh viên thực hành. Ví dụ, đào tạo ngành kĩ thuật ô tô phải đầu tư khoảng 4-5 triệu USD vào cơ sở vật chất, thì mới có thể thu hút được người học. Tuy nhiên, ở trong ngành nên tôi biết, nếu khai thác tốt các thiết bị đó, vẫn có thể đủ tiền để trả lương, thưởng và nghiên cứu khoa học”. 

Điều đáng nói, từ câu chuyện của Phenikaa, có hai điểm mà nói như ông Năng, các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục cần hướng tới: Thứ nhất, nếu nó đang là một ngành “hot”, một xu hướng ở Việt Nam. Thứ hai, nếu nó không là ngành “hot” nhưng nó góp phần khai phá nền khoa học Việt Nam, tạo nền móng để thu hút các nhà khoa học tài năng và sau này tạo ra lớp sinh viên mới, hội nhập với thế giới thì chúng tôi sẽ làm. 

Như vậy, ngay cả khi đã chọn tâm điểm các phân khúc có nhu cầu lớn, hay các lĩnh vực chuyên môn sâu, thì để trồng cây đợi ngày hái quả… đối với các nhà đầu tư cũng đầy áp lực. Nói như quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Đất nước đang phát triển, có nhiều vấn đề cần giải quyết, chúng ta cần thu hút được những người giỏi trên thế giới để giải quyết những vấn đề do chúng ta đặt ra bằng công nghệ, sản phẩm xuất sắc. Những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có khả năng tài chính tốt cần đi tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao, đó cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp với đất nước.Điều đó cũng là cơ hội của các nhà đầu tư mới, bởi thành công vốn tự nó đã là một quá trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi doanh nghiệp “lấn sân” giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO