Những hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời” thời gian qua ở nhiều địa phương đã và đang gây bức xúc, hoang mang trong dư luận.
Khoảng vài năm trước, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã xuất hiện nhóm người lạ mặt, tự xưng là “Hội thánh của Đức Chúa trời”. Mặc dù khi đó chưa được công nhận và chưa được phép hoạt động, song các nhóm người này tích cực tuyên truyền, dụ dỗ và lôi kéo người dân theo đạo.
Gần đây, nhóm người này lại xuất hiện tại trường đại học, vùng nông thôn ở mọi miền như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang… để tuyên truyền về “Hội thánh Đức Chúa trời”.
Các thành viên tại một cơ sở "Hội thánh Đức Chúa trời"
Thực tế phản ánh của người dân, cũng như từ các nguồn tin từ giới truyền thông, chúng ta có thể thấy đối tượng mà hội này tiếp cận, lôi kéo là sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng hay người ngoài xã hội. Phương thức của nhóm này là sử dụng sách thực hành giảng đạo, các quyển tranh, ảnh minh họa thuyết trình giảng đạo không nguồn gốc xuất bản.
Có thể bạn quan tâm |
Nội dung tuyên truyền cực đoan, phản khoa học “chỉ sống cho riêng mình, từ bỏ gia đình”, nôi dung không phù hợp với văn minh của nhân loại như “có một đấng tiên tri ở nước ngoài về xem và nói về tương lai đúng 100%”, “không làm mà vẫn có ăn”. Trong khi đó vẫn phải nhờ sự đóng góp 1/10 thu nhập của người khác để sống. Mặt khác họ yêu cầu thành viên đều phải có trách nhiệm đi truyền giáo cho người khác (kết trái) thực chất là lôi kéo người khác để góp tiền cho họ.
Thế nhưng, trái ngược với những lời tuyên truyền vàng ngọc đó, những người mê muội gia nhập “Hội thánh Đức Chúa trời” đã bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, sinh viên bỏ học, để lại cho người thân những nỗi đau, vừa tự tay khép chặt cánh cửa tương lai của chính mình.
Rồi, có nhiều người u mê đến nỗi về nhà vứt hết bát hương thờ cúng tổ tiên, không ăn đồ thờ cúng, tin vào “ngày tận thế”. Nguy hại hơn nữa, họ còn đòi bán cả vườn đất chỉ để “phụng Chúa”, vì sau này có nhà trên thiên đường, sống sung sướng… Thậm chí, có người phụ nữ còn bỏ nhà và con nhỏ mới sinh mấy tháng tuổi để đi theo.
Vậy, điều gì đã khiến cho những con người của xã hội văn minh lại tin vào những điều phi lý đó? Nếu như ở thời kỳ trước, khi mà cuộc sống của con người còn quá khó khăn, khi mà người ta phải tin vào những điều không tưởng để có chỗ dựa về tinh thần nhằm xoa dịu nỗi đau thực tế thì việc tin tưởng mù quáng không quá khó hiểu.
Tuy nhiên, hiện nay, cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn, xã hội ngày càng phát triển thì thực trạng trên đúng là quá khó chấp nhận. Những người đi theo “tà đạo” không chỉ là bà con có dân trí thấp, không chỉ là những người ở vùng sâu, vùng xa mà có rất nhiều người ở các thành phố lớn, được ăn học đàng hoàng. Nó thể hiện sự hời hợt trong nhận thức, sự lệch lạc trong tư tưởng, sự thiếu hiểu biết của một nhóm người.
Và nó cũng cho thấy, “Hội thánh Đức Chúa trời” đang lợi dụng “đức tin” của một bộ phận nhân dân. Khi con người ta “lếch thếch” đi theo cái gọi là “đức tin” đó của hội này thì nó cũng đồng nghĩa với việc con người ta đang bị đầu độc và giết chết từ bên trong. Đồng thời, sự “lây lan” của hội này tại nhiều địa phương cũng minh chứng công tác quản lý lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng đang có vấn đề.
Liên quan đến công tác quản lý tôn giáo, tín ngưỡng, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/5 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết, cho thấy sự chậm trễ, bất cập trong lĩnh vực này”.
Ngay bản thân người viết không muốn tranh cãi về tôn giáo, về tín ngưỡng một chút nào khi tư duy của mình mở rộng được một vài góc nhìn. Đó là điều tối kỵ trong các ứng xử hàng ngày. Vì mỗi tôn giáo đều có những giáo lý uyên bác, có tính chân lý trải qua nhiều thời đại, có tính tương đối đúng với nhiều con người và nó còn có tính lịch sử.
Hơn nữa, tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng là một phạm trù khó giải quyết nhất trong các vấn đề của xã hội. Chúng ta có thể dập được hiện tượng nhưng khi còn người là còn sự âm ỉ của ngọn lửa. Khi người ta đã tin, người ta sẵn sàng hi sinh, khó có thể bắt họ từ bỏ bằng mệnh lệnh. Chỉ có thể mang lại một niềm tin mới cho họ.
Có điều, việc “Hội thánh Đức Chúa trời” bị cho là tà giáo là có cơ sở ngay từ chính nơi khởi nguyên của nó, chứ chưa nói đến những hoạt động không đúng với giáo lý kinh thánh, kích động, không hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt trong thời gian qua.
Đúng là, niềm tin của mỗi người rất đáng được trân trọng. Vấn đề ở chỗ, tin tưởng vào những điều không tưởng, tin tưởng vào những thứ vô văn hóa, vô giá trị như lời tuyên truyền của “Hội thánh Đức Chúa trời” thì khó lòng có thể chấp nhận được. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến riêng những người tham gia vào tà đạo và gia đình của họ mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Chính vì vậy mới nói, làm việc xấu đã đáng lên án, nhưng lợi dụng, nhân danh tự do tôn giáo tín ngưỡng để làm việc xấu càng đáng phải lên án hơn. Khi người ta dám lừa gạt cả lòng nhân từ bác ái, lừa gạt cả “đức tin” thì có lẽ không có gì người ta không làm được.