Chính trị

Khi không gian vùng trở thành sức mạnh quốc gia

Nguyễn Thu Hà 22/04/2025 03:02

Chưa bao giờ câu chuyện phát triển không gian vùng, tích hợp hành chính, kinh tế giữa các địa phương lại được đặt ra mạnh mẽ như hiện nay.

Việc sáp nhập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM không chỉ là một dấu mốc hành chính, mà còn là bước chuyển mình quyết liệt, là “cốt nền” để khởi động cho một kỷ nguyên vươn mình mới của vùng và đất nước.

Như phát biểu đậm tính chiến lược của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên: “Không gian phát triển của TP HCM đã lớn hơn, chúng ta phải có tư duy, tầm nhìn lớn hơn để có chương trình hành động”. Tư duy lớn theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên không chỉ là góc nhìn rộng, mà còn đòi hỏi chiều sâu trong cách tiếp cận, gắn liền với năng lực tổ chức thực thi, nơi mà thể chế, hạ tầng, thị trường và nguồn lực con người phải vận hành như một chỉnh thể.

tp hcm
HĐND TP HCM khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất ba địa phương: TP HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không chỉ là “phép cộng” địa lý

Việc hợp nhất ba địa phương lớn TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không đơn giản là “cộng dân số”, “cộng diện tích” hay “cộng GDP”. Điều quan trọng hơn là thay đổi căn bản phương thức quản trị vùng, điều phối phát triển và khai thác sức mạnh tổng hợp.

Về mặt tương tác, khi còn là các đơn vị hành chính cấp tỉnh riêng rẽ, giữa các địa phương vẫn tồn tại không ít cạnh tranh về dòng vốn đầu tư, phân bổ hạ tầng hay thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi được tích hợp vào một cấu trúc hành chính duy nhất, những mâu thuẫn đó có thể được hóa giải, mở ra mô hình “cộng sinh phát triển”.

Ở đây, có thể hình dung vai trò của các địa phương. Bình Dương với nền tảng công nghiệp chế biến, chế tạo hàng đầu cả nước; Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế cảng nước sâu và kinh tế biển; và TP HCM với trung tâm tài chính, tiêu dùng, dịch vụ sáng tạo của cả khu vực. Ba trụ cột này khi kết nối thành một chỉnh thể sẽ tạo ra một vùng động lực thực sự mang tính đột phá.

Tuy nhiên, để vùng siêu đô thị này vận hành trơn tru, điều kiện tiên quyết là phải “lột xác” về hạ tầng. Trên bản đồ hiện tại, kết nối giữa Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với TP HCM đều đang phụ thuộc tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chính điều này khiến cho các luồng hàng hóa, dòng người, dịch vụ vận hành chưa thật sự tối ưu, thậm chí còn gây ra điểm nghẽn.

Kết nối giữa Cần Giờ và Nhơn Trạch, những cửa ngõ tự nhiên ra biển của thành phố và khu vực công nghiệp trọng điểm cũng đang bị cản trở bởi các con sông lớn và địa hình khó khăn. Giải pháp cho giai đoạn tới không thể chỉ là “mở đường”, mà phải là “mở cả tư duy” với các trục giao thông mới, các cầu vượt biển, tuyến đường sắt đô thị, và đặc biệt là khai thác mạnh mẽ vận tải thủy.

Tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... sẽ không còn là những công trình giao thông đơn thuần, mà trở thành những mạch máu đưa “dòng máu” phát triển lan tỏa toàn vùng.

Tầm nhìn lớn cần công cụ lớn

Khi Cần Giờ và Vũng Tàu được kết nối, khi Cái Mép có thể hỗ trợ cho khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ, thì đó là lúc TP HCM thật sự vươn ra biển. Không chỉ là kinh tế biển đơn thuần, mà là kinh tế vùng ven biển, kinh tế logistics, và xa hơn là trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Trong 10 năm tới, viễn cảnh một vành đai kinh tế ven biển từ Nhà Bè - Cần Giờ - Vũng Tàu không chỉ là tiềm năng, mà là chiến lược phát triển. Kết hợp với trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, các khu thương mại tự do sẽ tạo ra cú hích không chỉ cho xuất nhập khẩu, mà còn là “bệ phóng” cho kinh tế số, dịch vụ cao cấp, logistics toàn cầu.

Đây cũng là lúc cần đặt ra bài toán chiến lược phát triển “biển hóa” TP HCM, điều mà từ lâu đã bị che khuất bởi nhịp phát triển quá tập trung vào lõi đô thị truyền thống.

Về mặt thị trường tiêu dùng, TP HCM hiện hữu đã là “thủ phủ” của ngành bán lẻ, tiêu dùng sáng tạo, dịch vụ. Khi hợp nhất thêm hai địa phương có sức sản xuất công nghiệp cực mạnh và dân cư đông, thì “mãi lực” của vùng sẽ tăng vọt. Điều này kéo theo hệ sinh thái logistics, thương mại, tài chính, thanh toán, và cả lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng tốc bùng nổ.

Tuy nhiên, nếu không có một chiến lược tiêu dùng bền vững, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng, tạo áp lực lớn lên môi trường sống, giao thông, và hệ thống cung ứng. Trong bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn “hậu toàn cầu hóa” với làn sóng tăng thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ và bất ổn chuỗi cung ứng, một chiến lược tiêu dùng xanh, tuần hoàn và có trách nhiệm là không thể thiếu.

TP HCM cần tận dụng ngay cơ hội này để xây dựng mô hình tiêu dùng kiểu mới, lấy bền vững làm tiêu chí, kết hợp với chuyển đổi số để kiểm soát dữ liệu tiêu dùng, một loại “tài nguyên” quý giá trong nền kinh tế hiện đại.

Tầm nhìn lớn cần công cụ lớn. Và công cụ ở đây chính là thể chế đặc thù dành cho TP HCM mở rộng sau hợp nhất. Từ Nghị quyết 31 đến các đề án đường sắt đô thị, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, khuyến khích kinh tế tư nhân, mỗi một chính sách không chỉ là “chính sách cho TP HCM”, mà cần được nhìn nhận là “chính sách cho vùng phát triển mới”.

Hơn lúc nào hết, việc cụ thể hóa cơ chế điều phối vùng, cơ chế tài chính, đầu tư đặc biệt, thí điểm mô hình đô thị đặc biệt (ví dụ: thành phố biển Cần Giờ, thành phố công nghiệp Thủ Dầu Một…) là điều kiện tiên quyết để biến viễn cảnh thành hiện thực.

Đặc biệt, nếu không có một bộ máy quản trị linh hoạt, liên kết cao, có năng lực điều hành xuyên suốt toàn vùng thì mô hình hợp nhất sẽ khó phát huy hết hiệu quả. Việc tái thiết lập lại hệ thống dữ liệu vùng, hệ thống thông tin điều hành kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống quy hoạch tích hợp là nhiệm vụ cấp thiết.

Hợp nhất hành chính, suy cho cùng không phải là mục tiêu cuối cùng. Đó chỉ là bước đi đầu tiên để tái cấu trúc vùng kinh tế, làm mới lại cách tiếp cận chiến lược và mở ra một không gian phát triển thực sự tầm vóc.

Không gian phát triển mới của TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ là thí điểm cho mô hình đô thị siêu lớn của Việt Nam, là “phòng thí nghiệm thực tiễn” cho tư duy phát triển vùng động lực trong bối cảnh mới. Nhưng để “kỷ nguyên vươn mình” trở thành hiện thực, cần hơn cả là một sự đồng thuận, dũng cảm và liên tục cải cách từ thể chế đến con người.

Sáng 18/4, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, HĐND TP HCM khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất ba địa phương: TP HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới vẫn mang tên TP HCM, trở thành siêu đô thị của vùng Đông Nam Bộ.

Trung tâm chính trị - hành chính của TP HCM sau sáp nhập sẽ đặt tại TP HCM. Bên cạnh đó, hai trung tâm hành chính phụ sẽ được duy trì tại địa điểm hiện hữu của hai tỉnh còn lại.

UBND TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án trước ngày 1/5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi không gian vùng trở thành sức mạnh quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO