Nam Định: Khi nông dân không muốn… làm ruộng

TRUNG THÀNH - LAN VŨ 22/11/2021 10:08

Gắn bó lâu đời với đồng ruộng, thế nhưng nhiều hộ nông dân giờ lại… chán làm ruộng. Còn chính quyền lại đau đầu với trào lưu “ly nông nhưng không ly hương”, ruộng đồng hoang hóa.

>>Canh cánh nỗi lo bị “đòi ruộng”

Không còn “lấy công làm lãi”

Gia đình bà Trần Thị Thuận ở xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh (Nam Định) đã bỏ hoang gần 5 sào ruộng mấy năm nay để đi làm công nhân cho một xưởng gia công đế giày gần đó. Khu ruộng xưa kia vốn là “bờ xôi ruộng mật” đã từng nuôi sống gia đình 6 người giờ là bãi cỏ hoang chăn thả trâu bò của các hộ dân địa phương. “Chúng tôi đã bỏ ruộng từ nhiều vụ nay vì làm không bõ chi phí. Mỗi sào ruộng cấy lúa phải chi phí đủ thứ. Từ thuê cày bừa, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu,…cho đến thuê gặt đập, nếu được mùa thì cho thu hoạch khoảng 1,5 – 2 tạ thóc/sào, nếu mất mùa thì coi như bù lỗ. Mà với giá thóc như hiện nay, thì mỗi sào như vậy may ra thu nhập được khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng. Đằng đẵng 6 tháng trời vất vả, tính ra ngày công thu nhập không nổi 50 nghìn đồng/ngày. Làm ruộng bây giờ muốn lấy công làm lãi cũng không được” – bà Thuận cho biết.

Nhờ chính sách khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất nên những cánh đồng hoang ở Nam Định được phủ bằng những cánh đồng mẫu lớn

Nhờ chính sách khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất nên những cánh đồng hoang ở Nam Định được phủ bằng những cánh đồng mẫu lớn.

Không còn đảm đương sứ mệnh, người nông dân rời bỏ ruộng để thoát ly làm công nhân. Trào lưu nhà nhà bỏ ruộng để vào làm công nhân cho các nhà máy ở gần địa phương. Trẻ thì làm công nhân kỹ thuật, đòi hỏi tay nghề cao. Trung tuổi lại chưa qua đào tạo thì làm công việc thủ công, đòi hỏi kỹ thuật thấp. Tựu chung thì gia công da giầy vẫn là công việc phổ biến và thu hút nhiều lao động nhất. Bởi làm công nhân da giầy cũng có thu nhập ổn định khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, tùy theo khối lượng công việc. Tuy nhiên, dẫu sao mức thu nhập đó cũng cáo gấp 4 - 5 lần làm ruộng. Chưa kể, đi làm công nhân trong công ty không phải lo nắng mưa, sâu bệnh, thời vụ cấy hái như làm ruộng, có thu nhập ổn định lại được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên cũng yên tâm hơn rất nhiều so với làm ruộng. Bởi vậy, một số xã, thị trấn có ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như may mặc, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, mộc,…đã thu hút hàng nghìn lao động.

>>Để ly nông mà không ly hương

>>Nam Định giải bài toán tiêu thụ nông sản

Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, vụ mùa năm 2021 cả tỉnh có 24.058 hộ bỏ ruộng hoang. Tổng diện tích ruộng bỏ hoang là 2.364 ha, trong đó huyện Trực Ninh là địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhất với 637 ha, tiếp theo là huyện Ý Yên 592 ha, thành phố Nam Định 228 ha, Giao Thủy 138 ha,… 

Ông Lê Văn Huấn, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết, tính đến tháng 10/2021 toàn huyện có 138 ha ruộng bỏ hoang, trong đó diện tích giao ổn định là 108 ha. Phần lớn diện tích ruộng bỏ hoang nằm xen kẹt trong khu dân cư, môi trường nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khu vực thấp, trũng khó khăn trong sản xuất, chất lượng sản phẩm không cao.

Xây dựng mô hình…“địa chủ”

Theo lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, để giải bài toán bỏ ruộng hoang hóa, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động nhân dân dồn điền đổi thửa. Những hộ không có nhu cầu canh tác thành vùng tập trung sẽ mời doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá thể thuê ruộng để sản xuất nông sản hàng hóa hoặc vận động các tổ chức hội, đoàn thể của xã, thôn, đội thuê lại và tổ chức sản xuất. Mặt khác, thực hiện chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Đối với diện tích xen kẹt trong khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp,… không đủ điều kiện sản xuất, lập phương án tối ưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Mô hình tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất trên quy mô lớn được xem như giải pháp tối ưu vấn đề hoang hóa ruộng đất.

Mô hình tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất trên quy mô lớn được xem như giải pháp tối ưu vấn đề hoang hóa ruộng đất.

Dồn điền đổi thửa, tập trụng ruộng đất để sản xuất với quy mô lớn đang là giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ những “cánh đồng hoang”. Tại các huyện ở Nam Định đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tích tụ ruộng đất có quy mô từ 10-30 ha như: Mô hình sản xuất lúa thương phẩm của gia đình chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo (huyện Vụ Bản) với quy mô gần 20 ha. Mô hình này đang khẳng định tính hiệu quả và xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo một cán bộ Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản thì mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 đến 4,5 lần so với sản xuất lúa truyền thống.

Ông Trần Tùng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường chia sẻ, để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tích tụ ruộng đất, UBND huyện và xã đã đứng ra vận động, đàm phán việc thuê ruộng với các hộ nông dân. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp,...

Chia sẻ kinh nghiệm tích ruộng, ông Phạm Tiến Dụng, xã Xuân Thượng (huyện Xuân Trường) cho rằng để tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi phải kiên trì vận động, thuyết phục. Bởi người dân không có nhu cầu sản xuất nhưng vẫn có tâm lý giữ ruộng. Chỉ trong thời gian ngắn, ông Dụng đã tập trung được 20 ha ruộng, đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua máy cấy máy gặt, máy cày,... Nhờ đó, không chỉ thu được lợi nhuận mỗi vụ từ 300-400 nghìn đồng/sào mà ông Dụng còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập ổn định.

Mô hình tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất trên quy mô lớn được xem như giải pháp tối ưu vấn đề hoang hóa ruộng đất. Thế nhưng tâm lý giữ ruộng của nông dân và sự lo ngại về tính ổn định của các “địa chủ” vẫn là ngăn cách vô hình cho mô hình này.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nam: Vì sao nông dân bỏ ruộng?

    Hà Nam: Vì sao nông dân bỏ ruộng?

    17:00, 17/08/2019

  • Mở đường cho tích tụ ruộng đất

    Mở đường cho tích tụ ruộng đất

    04:30, 17/10/2020

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    11:10, 20/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    05:30, 21/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Khi nông dân không muốn… làm ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO