Trách nhiệm xã hội không chỉ được biết đến như yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn nói lên dấu ấn, bản sắc riêng của doanh nghiệp.
Kể chuyện thương hiệu thông qua CSR
Giáo sư Archie B. Caroll, bậc thầy về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Georgia (Mỹ) từng nhấn mạnh: một doanh nghiệp trường tồn và trở thành vĩ đại phải dựa trên tòa tháp trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – “CSR”): Trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của công ty, trách nhiệm về tuân thủ luật pháp, trách nhiệm về đạo đức.
Nói như Phạm Phú Ngọc Trai, Sáng lập và Chủ tịch GIBC “CSR chính là trách nhiệm”. Nếu thiếu trách nhiệm với xã hội, thì một ngày nào đó, doanh nghiệp sẽ thấy làm giàu chỉ là xây lâu đài trên cát.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp toàn cầu từ lâu đã rất chú ý đến CSR, và thực tế chứng minh, bên cạnh những đóng góp tích cực cho xã hội, CSR còn giúp nâng tầm giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, đem lại những hiệu quả kinh doanh bất ngờ. Tại Việt Nam, khái niệm CSR ngày càng trở nên phổ biến, nhiều doanh nghiệp coi đây là một phần cốt yếu trong chiến lược phát triển bền vững, thậm chí có những động thái rõ ràng để thực hiện CSR theo hướng bài bản, rộng mở hơn.
Đơn cử như với Sabeco, Tổng Giám đốc – ông Bennett Neo mới đây chia sẻ, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động cộng đồng theo chiến lược “4C”: “Consumption” (Tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm), “Conservation” (Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường), “Country” (Tích cực đóng góp cho xã hội, là niềm tự hào Việt Nam) và “Culture” (Đề cao giá trị văn hóa và phong vị Việt Nam). “Hướng đến lợi ích của con người và cộng đồng là định hướng mà Sabeco sẽ liên tục thực hiện trong những năm sau, để Sabeco và Bia Sài Gòn xứng đáng là niềm tự hào của người Việt Nam” – Ông Bennett Neo khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
15:35, 25/01/2018
10:37, 25/09/2017
15:35, 20/09/2017
Lâu nay, Sabeco thường kết hợp với các ban, ngành, đối tác tổ chức những chương trình xã hội như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nông thôn mới, hay tặng hàng nghìn vé xe Tết cho công nhân,… Mùa Tết Kỷ Hợi vừa qua, doanh nghiệp này đã để lại dấu ấn mới mẻ với chiến dịch cộng đồng “Về nhà ăn Tết” khi dành tặng 1.000 vé máy bay trên 4 chuyên cơ riêng cho những người lao động có sáng kiến, đóng góp nổi bật trong năm (thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai). Nói về hành động này, không ít người sẽ nghĩ ngay đến “độ chịu chơi” của Sabeco, nhưng nhìn lại hành trình "Về nhà ăn Tết" đã qua, những điều doanh nghiệp này đã kể nhiều hơn thế. Từ câu chuyện lan tỏa cảm hứng thành công được kể từ chính chủ nhân của 1.000 tấm vé, là câu chuyện của thương hiệu mang tầm vóc "Thương hiệu Quốc gia", gắn với những giá trị văn hóa của dân tộc.
Chính thương hiệu là “nhà hoạt động xã hội”
Đã 10 năm kể từ ngày vào Nam lập thân lập nghiệp, chưa lần nào anh Nguyễn Nam Mạnh, nhân viên văn phòng khối giao hàng của một Công ty thuộc Khu Công nghiệp Quang Trung (TP. HCM) có dịp đưa người vợ Tiền Giang và con gái nhỏ về quê Thanh Hóa đón Tết. Năm qua, vé máy bay “Về nhà ăn Tết” từ Sabeco đưa gia đình nhỏ anh Mạnh lần đầu tiên đón một cái Tết sum họp ấm áp nơi quê nhà. Với chàng trai từng không có điều kiện học Đại học, từng bắt đầu từ vị trí công nhân, anh rất tự hào khi những sáng kiến và nỗ lực lao động hết mình đã được ghi nhận. Trở lại Sài Gòn sau Tết, anh “cảm thấy bản thân như được tiếp thêm sức mạnh và năng lượng dồi dào, bước vào công việc với tinh thần phấn khởi và quyết tâm hơn”.
Chia sẻ của anh Mạnh là 1 ví dụ trong 1.000 người lao động được tặng vé. Thực tế, hành trình trao tặng vé máy bay Tết của Sabeco đã tạo ra nguồn năng lượng tích cực đến khắp mọi miền đất nước. Điều này chỉ thực hiện được khi chương trình bật lên một thông điệp đủ mạnh, với “Về nhà ăn Tết”, đó là lời nhắn gửi về cảm hứng thành công được lan tỏa từ 1000 chủ nhân vé máy bay đến hàng triệu lao động. Không chỉ tôn vinh nỗ lực vươn lên thành công của những cá nhân đang góp phần vào thành công chung của đất nước cùng niềm tự hào dân tộc, Sabeco còn cho thấy sự thấu hiểu nỗi niềm, cũng là nét văn hóa truyền thống bao đời nay của người dân Việt - về mong ước đón những cái Tết sum vầy, đoàn viên, ấm cúng bên người thân.
Hơn 140 năm với biết bao thăng trầm biến động cùng bề dày lịch sử dân tộc, Bia Sài Gòn vẫn đứng vững trước thời gian nhờ những giá trị ký ức và văn hóa mà thương hiệu có được. Với nhiều người, Bia Sài Gòn không chỉ là thức uống, đó còn là kỷ niệm ghi dấu từng chặng đường đã qua, là nét văn hóa khó phai mờ. Thông qua những hoạt động CSR thiết thực như “Về nhà ăn Tết”, Sabeco đang tiếp tục cho thấy một cách làm thương hiệu qua góc tiếp cận nhân văn, đúng với xu hướng. Như chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Le Group nhận định: “Ngày nay, thương hiệu phải biết trò chuyện với công chúng như những con người, quan tâm, chia sẻ đến nhu cầu của con người xung quanh”.
Ở một góc nhìn lớn hơn, cũng theo ông Vinh, “Một thương hiệu được coi là của Việt Nam hay không chẳng phải phụ thuộc vào tỷ lệ vật tư nội địa trong đó, càng không phụ thuộc nhiều vào ai là người làm ra sản phẩm, mà nằm ở khả năng thổi hồn vào thương hiệu những cá tính, thói quen, văn hóa, thậm chí cả những đặc điểm chưa toàn vẹn như một con người Việt Nam”. Giờ đây, khi thương hiệu đã được nhìn nhận theo hướng rộng mở, không còn bị giới hạn trong trong đặc tính sản phẩm hay không gian địa lý, thì cách làm CSR của Sabeco, qua các chương trình như “Về quê ăn Tết” càng trở nên giá trị và phù hợp.
Rõ ràng, doanh nghiệp ngày nay cần làm nhiều hơn so với việc chỉ quan tâm đến kết quả kinh doanh và tuân thủ pháp luật. Trách nhiệm xã hội cần được xem là yếu tố căn bản trong chiến lược đầu tư lâu dài cho hình ảnh thương hiệu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhất quán trong từng hành động, tiếng nói nhân bản của thông điệp thương hiệu sẽ tự khắc rõ ràng. Khi đó, CSR sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra một thứ ánh sáng dịu nhẹ để thu hút khách hàng, chứ không phải là thứ ánh sáng khiến người tiêu dùng bị "loá mắt", mang tính lý thuyết và khẩu hiệu.