Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu vonfram và bismuth sang Mỹ có thể giúp Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) có được lợi thế về giá trong năm 2025.
Sau khi Tổng thống Donald Trump muốn áp mức thuế quan tăng mạnh đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 4/2, Trung Quốc cũng công bố chính sách thuế nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu và công ty Mỹ cụ thể đang hoạt động tại Trung Quốc. Các biện pháp này cũng siết chặt quyền tiếp cận của các mặt hàng xuất khẩu khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc. Theo đó, sẽ áp mức thuế 15% đối với than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, và mức thuế tăng 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe bán tải và các mặt hàng khác.
Một "cuộc chiến" thuế quan đối với nhiều mặt hàng trong đó có quy định vonfram và bismuth sang Mỹ, được cho là chính sách có lợi đối với nhà sản xuất và xuất khẩu vonfram CTCP Masan High-Tech Materials (gọi tắt: MHT) - doanh nghiệp có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, và là một thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN).
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư mới đây, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan cho biết các quyết định của Trung Quốc có thể mang đến những lợi thế nhất định cho MHT.
"Chúng ta sẽ có được những lợi thế nhất định. Do đó, chúng tôi sẽ phải chờ xem những tác động tích cực này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của MHT trong năm 2025", theo ông Nam Anh.
Ông cũng đồng thời cho biết Masan Group quyết liệt bán hết trữ lượng đồng tồn kho hiện có của họ.
Tại cuối 2024, theo BCTC và công bố của Ban Lãnh đạo MSN, Masan High-Tech Materials hiện đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) GmbH - nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao cho Mitsubishi Materials Corporation Group - Thương vụ được thông báo lần đầu vào tháng 5/2024 với giá chuyển nhượng là 134,5 triệu USD.
Là một phần của giao dịch, Masan High-Tech Materials và H.C. Starck ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram. Masan sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode.
Sau khi hoàn tất giao dịch, Masan Group ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được sử dụng để giảm nợ của Masan High-Tech Materials từ khoảng 670 triệu USD xuống còn 490 triệu USD.
Quý IV/2024, MHT đã ghi nhận khoản lãi ròng sau thuế từ việc thanh lý các công ty con là 917 tỷ đồng nhưng bị ảnh hưởng một phần bởi các chi phí ngoài hoạt động khác, bao gồm (1) khoản lỗ 544 tỷ đồng do việc xóa bỏ công trình đang xây dựng và (2) khoản tiền 198 tỷ đồng từ các chi phí khác, theo ước tính từ báo cáo tài chính. Trong quý IV, doanh số đã tăng 21% YoY và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đã tăng gấp 3,2 lần QoQ lên mức 181 tỷ đồng. Trong quý IV, khoản lỗ ròng của MHT đã giảm 74% YoY xuống còn 216 tỷ đồng.
Với chính sách thuế quan theo chiều có lợi, các nhà quản lý dự kiến sẽ có thể tăng giá đàm phá. Bên cạnh đó, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group kiêm Chủ tịch của MHT cho biết vẫn đang tập trung tối ưu hóa vận hành, chi phí, bao gồm bảng cân đối tài chính lành mạnh hơn giúp giảm gánh nặng lãi vay, tăng hiệu quả từ nhu cầu ngày càng tăng đối với các ứng dụng của vonfram nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, MHT nỗ lực tối ưu hóa hoạt động bao gồm bán 1,4 nghìn tỷ đồng hàng tồn kho đồng vào năm 2024 và đã ký hợp đồng cho 85% hàng tồn kho năm 2025 (khoảng 50 triệu USD).
Công ty cũng đang tối ưu hóa chi phí khai thác thông qua một nhà thầu nổ mìn mới, có khả năng giảm 10% chi phí so với nhà thầu trước đó. Kế hoạch năm 2025, MHT đặt mục tiêu tăng trưởng nhưng chưa tính đến khả năng tăng giá sản phẩm sau lệnh cấm tiếp cận khoáng sản đối với Mỹ từ Trung Quốc.
Vonfram APT được biết đóng góp 47-50% doanh thu của MHT vào năm 2024. Trong năm 2025, MHT hiện đã tăng giá một số sản phẩm thêm 8%.
Trên thị trường, vonfram là một kim loại chuyển tiếp hiếm, không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất...
Trung Quốc được biết là quốc thống trị sản xuất và xuất khẩu vonfram và sản xuất hơn 80% nguồn cung toàn cầu vào năm 2023. Khoảng 60% lượng tiêu thụ vonfram tại Mỹ được dùng để sản xuất cacbua vonfram - một vật liệu có độ bền cao được sử dụng phổ biến trong xây dựng, gia công kim loại và khoan dầu khí. Khi Trung Quốc thắt chặt việc tiếp cận kim loại chuyển tiếp hiếm này, nhu cầu vonfram toàn cầu được dự báo sẽ “nóng” lên tới đây.
Điều này đã tạo cơ hội cho Masan High-Tech Materials khi nắm giữ mỏ Núi Pháo - mỏ vonfram lớn thứ hai thế giới. Mỏ Núi Pháo được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con do Masan High-Tech Materials sở hữu 100% vốn.
Cổ phiếu MSR của MHT đã tăng mạnh mẽ từ mức giá 11.000đ/cp lên 14.700đ/cp chỉ sau 4 phiên giao dịch từ 4-7/2/2025, ngay sau động thái của Trung Quốc và cũng được dự báo sẽ còn có động lực tăng trong thời gian tới. Điều này cũng đã và đang góp phần đẩy vốn hóa MSR lên những mốc cao mới.
Nhận định về MSR, Chứng khoán BSC cho rằng diễn biến giá cổ phiếu MSR thường biến động nhanh và mạnh do thanh khoản thấp và diễn biến theo các thông tin liên quan đến giá nguyên vật liệu. Định giá cổ phiếu đã phản ảnh kỳ vọng phục hồi của giá kim loại khi đang giao dịch quanh mức P/B 1-1,2 lần, tương đương trung bình giai đoạn giá volfram tăng.
BSC cho rằng cần theo dõi thêm kết quả kinh doanh quý I/2025 để đưa ra dự phóng hợp lý cho kết quả kinh doanh năm 2025 của công ty này.