2020 là năm đầy thách thức, nhưng cũng là năm chứng tỏ bản lĩnh của Công ty cổ phần Lọc hóa hóa Bình Sơn (mã CK: BSR) khi vượt qua tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, nhu cầu tiêu thụ giảm xăng dầu giảm mạnh, cung thừa dẫn đến tồn kho cao. Giá dầu lao dốc khiến BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho nặng nề. Có nhiều tháng, giá sản phẩm bán ra thấp hơn giá dầu thô mua vào, đặc biệt là sản phẩm Jet-A1. Chưa hết, 3 tháng cuối năm, nhiều cơn bão đổ bộ vào Quảng Ngãi, gây trở ngại rất lớn đến hoạt động của Nhà máy.
Giải pháp linh hoạt
Để ứng phó với khủng hoảng kép, Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt. Ban lãnh đạo BSR tổ chức họp hàng ngày, hàng tuần để đánh giá các kịch bản sản xuất - kinh doanh và quyết tâm không dừng Nhà máy, chỉ điều chỉnh dải công suất cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đối với công tác dầu thô, BSR tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành; tận dụng cơ hội mua hợp đồng chuyến trong nước với phụ phí thấp; chủ động làm việc với nhà cung cấp giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển. Đối với công tác sản xuất, Công ty linh hoạt điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu giá thấp.
Trong công tác kinh doanh, BSR phối hợp với khách hàng để tối đa hóa tiêu thụ sản phẩm, thuê kho gửi hàng; bám sát thị trường, tăng cường công tác dự báo và phân tích; linh hoạt, tối ưu hóa sản phẩm để tìm cơ hội bán các sản phẩm trung gian (Treated LCO), sản phẩm mới (hạt nhựa T3050) có giá trị kinh tế cao.
Đối với công tác tài chính, BSR tăng cường công tác quản trị dòng tiền, công tác thu hồi nợ, tối ưu số dư tiền gửi không kỳ hạn, sử dụng linh hoạt giữa vay vốn lưu động và gửi tiền có kỳ hạn nhằm tận dụng lãi suất vay ưu đãi...
“Dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng dưới sự chỉ đạo, ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ngãi cũng như sự đồng tâm, đoàn kết, chung sức của tập thể người lao động, BSR đã nỗ lực vượt qua khó khăn, không để đứt gãy các hoạt động của Nhà máy, từng bước khôi phục hiệu quả sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. BSR đã đạt các thành quả trong sản xuất, bảo dưỡng tổng thể lần 4, tối ưu hóa công nghệ, kinh doanh sản phẩm, tiết kiệm tiết giảm chi phí và ổn định dòng tiền.”, ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc BSR chia sẻ.
Kết thúc năm 2020, BSR cơ bản đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra. BSR vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, khối lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 5,96 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch năm 2020; doanh thu đạt 58.283 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 5.803 tỷ đồng. BSR đã tiết giảm ước tính được 1.844 tỷ đồng không bao gồm chi phí dầu thô, tương đương 19,2% so với kế hoạch được Tập đoàn giao. Riêng về lợi nhuận, BSR chưa đạt là điều đã dự báo từ trước, bởi đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Chủ động vượt khó
Năm 2021 dự báo vẫn là một năm rất khó khăn, giá dầu thô và sản phẩm lọc dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường và nhu cầu duy trì ở mức thấp, do đó công tác sản xuất kinh doanh của BSR sẽ còn gặp nhiều khó khăn. BSR đã đề ra các mục tiêu phấn đấu đạt sản lượng khoảng 6,497 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng, nộp NSNN 7.698 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, BSR đã đề ra các giải pháp đồng bộ như xây dựng chiến lược phát triển thích ứng với những điều kiện mới, đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững; xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động ứng phó với các biến động khó lường của thị trường, dịch bệnh; nâng cao công tác quản trị; rà soát và từng bước số hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý; tăng cường tiết kiệm, tiết giảm chi phí, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật,...
Ngày 01/01/2021, mở màn cho một năm mới với nhiều kỳ vọng sẽ đẩy lùi dịch Covid-19, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: "Vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã trở thành vắc xin đầu tiên được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp kể từ lúc dịch bùng phát".
Theo Hãng tin AFP, việc WHO đưa vắc xin Comirnaty Covid-19 mRNA vào sử dụng khẩn cấp sẽ mở đường cho các quốc gia trên khắp thế giới nhanh chóng nhập khẩu và phân phối vắc xin này. Anh đã tổ chức tiêm chủng vắc xin được phát triển chung bởi hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). Sau đó Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu cũng đã tiêm vắc xin. Mỹ còn phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin thứ hai của hãng Moderna.
Trong tháng 12/2020, Việt Nam cũng đã tiến hành tiêm thử nghiệm trên các tình nguyện viên vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam tự sản xuất. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán với các nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vắn xin Covid-19. Theo đó, kết quả đàm phán gần nhất với đối tác ở Anh đã thu được kết quả ban đầu, Việt Nam đã ký với đối tác để họ đảm bảo vắc xin Covid-19 cho 15 triệu dân, khoảng 30 triệu liều, thời gian cung cấp theo lộ trình quý I, II, III và quý IV/2021. Đối tác tại Mỹ cũng bước đầu cho biết sẽ cung cấp vắc-xin theo lộ trình đến hết quý IV/20201.
Với sự quyết liệt của thế giới và Việt Nam trong nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid-19, kỳ vọng đại dịch này sẽ được khống chế, nhịp sống trở lại bình thường và cơ hội phục hồi tăng trưởng hiệu quả sẽ mở ra cho BSR cũng như các doanh nghiệp khác.