Ba ngành gồm vật liệu cơ bản, ngành dầu khí và ngành điện được dự báo có nhiều gam màu sáng tối khác nhau.
Với ngành vật liệu cơ bản (thép), Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, thị trường nội địa đang dẫn dắt tăng trưởng. Trong quý 2/2025, sản lượng tiêu thụ thép nội địa dự kiến tăng mạnh 22% so với cùng kỳ, đạt khoảng 7,1 triệu tấn, chủ yếu nhờ giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của bất động sản.
Thép xây dựng được dự báo tiêu thụ 3,1 triệu tấn trong đó Hòa Phát (HPG) có thể tăng sản lượng lên 15% . Đối với HRC, việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời 19–28% làm giảm chênh lệch giá giữa thép Trung Quốc và Việt Nam còn 50 USD/tấn, giúp HRC nội địa trở nên cạnh tranh hơn. HPG cho biết tỷ trọng HRC nội địa trong sản xuất tôn mạ đã tăng từ 15–20% lên 40%. Nhờ nhà máy Dung Quất 2 và hưởng lợi từ chính sách thuế, sản lượng HRC của HPG trong Quý 2/25 có thể đạt 2,2 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, sản lượng xuất khẩu toàn ngành dự báo giảm 20% , còn 1,5 triệu tấn do EU và Mỹ áp thuế CBPG với thép Việt Nam, gây áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Giá thép nội địa trong quý duy trì ổn định nhờ nhu cầu cao và chính sách hỗ trợ. Giá thép xây dựng gần như đi ngang so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào như quặng và than giảm lần lượt 3% và 4% svck do cung dư từ Úc và Brazil. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các doanh nghiệp sản xuất như HPG và tôn mạ như HSG (có khả năng hoàn nhập dự phòng). Nhờ giá đầu vào giảm và giá bán ổn định, biên lợi nhuận toàn ngành được kỳ vọng cải thiện rõ rệt trong quý 2/2025.
Với ngành dầu khí, kết quả kinh doanh phân hóa giữa các phân khúc. Các doanh nghiệp dầu khí ghi nhận lợi nhuận cải thiện so với Quý 1/2025, nhưng biến động giá dầu và nền cao cùng kỳ 2024 đã tạo phân hóa giữa các phân khúc. Ở khu vực thượng nguồn, PVD kỳ vọng ghi nhận kết quả tích cực khi giàn PVD VI trở lại hoạt động từ 26/4/2025 tại Malaysia, đồng thời không còn gánh chi phí bảo dưỡng. Giá thuê ngày các giàn khoan tự nâng cũng tăng nhẹ trong 2 tháng đầu quý.
PVD VIII dự kiến bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ Quý 3/2025. Trong khi đó, PVS tiếp tục triển khai dự án Lô B và bàn giao chân đế điện gió Greater Changhua, nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ dịch vụ căn cứ cảng và tàu dầu khí. Biên lợi nhuận mảng M&C cải thiện không đáng kể, và không còn ghi nhận lợi nhuận bất thường như Quý 1/2025.
Ở khu vực trung nguồn, GAS được kỳ vọng cải thiện so với Quý 1/2025 nhờ mùa khô thúc đẩy tiêu thụ điện khí, đồng thời khả năng hoàn nhập dự phòng khi khung giá điện mới được phê duyệt. Tuy nhiên, giá dầu trung bình quý thấp hơn cùng kỳ khiến giá bán khí giảm, gây áp lực lên biên lợi nhuận. PVT có thể ghi nhận sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ do giá cước vận tải dầu thô và thành phẩm suy yếu, song được bù đắp một phần bởi việc Nhà máy Lọc Dầu Bình Sơn không bảo dưỡng như cùng kỳ.
Ở khu vực hạ nguồn, BSR đối mặt với nền so sánh cao năm ngoái suy yếu do nhu cầu toàn cầu chậm lại, khiến lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, các xung đột địa chính trị cuối Quý 2 có thể hỗ trợ BSR tăng trở lại. PLX hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu tăng trong quý nhờ biên kinh doanh xăng dầu mở rộng, nhưng kết quả kinh doanh Quý 2 vẫn có thể thấp hơn cùng kỳ do nền cao 2024.
Với ngành điện, MBS cho rằng điểm sáng từ thủy điện và khung pháp lý đang hoàn thiện. Trong quý 2/2025, tiêu thụ điện tăng chậm, chỉ đạt khoảng 1% thấp hơn nhiều so với mục tiêu 11% cả năm. Dù công suất nguồn chỉ tăng nhẹ áp lực thiếu điện vẫn chưa lớn. EVN đã tăng giá điện 4,8% trong tháng 5, hỗ trợ cải thiện tài chính ngành và thúc đẩy huy động nguồn điện cũng như đầu tư.
Huy động thủy điện tăng 35% do nền thấp năm ngoái và mưa lớn tại Trung Bộ, có lợi cho doanh nghiệp sở hữu nhà máy tại đây như REE, HDG. Ngược lại, huy động điện than và khí dự kiến giảm nhẹ do giá điện thị trường giảm mạnh và nhu cầu điện yếu. Giá than nhập giảm gần 14%, khiến biên lợi nhuận điện than không cải thiện nhiều. Điện khí tiếp tục gặp khó do thiếu khí và giá LNG cao, nhưng POW, NT2 hưởng lợi do nguồn cung ổn định.
Với điện năng lượng tái tạo (NLTT), MBS cho rằng mảng này được duy trì ổn định khi các rủi ro kỹ thuật giảm và huy động được ưu tiên. Chính sách giá mới cho NLTT ban hành trong Quý 2 là điểm sáng, đặc biệt giá điện gió trên bờ/ven biển tăng lần lượt 17% và 8%, khung giá chuyển tiếp, đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, điện mặt trời vẫn còn dè dặt do khung giá chưa hấp dẫn hơn nhiều. Một số doanh nghiệp như REE, GEG thể hiện quan tâm với điện mặt trời nổi. Dù vậy, ngành vẫn đối mặt rủi ro pháp lý từ các dự án NLTT sai phạm trong quá khứ.
Từ những phân tích ngành và dự báo trên, MBS khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ và chốt lời cổ phiếu nhằm hiện thực hoá lợi nhuận, nhất là các nhóm ngành biến động theo thị trường như dầu khí, vật liệu sắt thép.