Khó thu hồi tài sản tham nhũng: Tại sao khó?

ĐỖ HUYỀN 15/07/2021 04:40

Việc thu hồi tài sản tham nhũng từ các vụ án lớn chưa cao được lý giải do đây là các vụ án có giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý.

Tại cuộc họp về kết quả công tác Quý III và nhiệm vụ Quý IV của Tổng cục Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Trần Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 cho biết, về án kinh tế, tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 24 nghìn tỷ đồng/gần 34 nghìn tỷ đồng có điều kiện. 

Trong đó, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, các đơn vị đã thi hành xong 1.600 tỷ đồng trong số gần 34.000 tỷ đồng có điều kiện.

Nói về nguyên nhân lượng tiền thi hành đối với các vụ án này còn chưa cao, ông Dũng cho rằng đây là các vụ án có giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý như vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Phan Văn Anh Vũ…

Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp.

Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp. Ảnh: Phan Văn Anh Vũ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu thực tế, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là công tác có tính chất liên ngành, trong đó khâu thi hành án dân sự (xử lý tài sản) là khâu cuối cùng, nên hiệu quả của công tác này phụ thuộc nhiều vào công tác truy tìm, phong tỏa, kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, thậm chí là từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thiếu một khâu nào đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vì người phạm tội phần lớn là những người có kiến thức, có nhiều thủ đoạn để che dấu, tẩu tán tài sản nhất là khi việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được hiệu quả.

Chia sẻ của Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, người làm công tác tư pháp. Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Hiện, chúng ta xây dựng cơ chế có nhiều cơ quan chức năng tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng hay cụ thể hơn là thu hồi tài sản. Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bên cần phải được xem lại chỗ nào chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh. Mặt khác, hoạt động của các cơ quan nhiều khi có sự trùng lặp, làm đi làm lại, điều đó đòi hỏi ngoài việc sửa đổi về mặt cơ chế, pháp luật thì cần có sự phối hợp, bàn bạc giữa các cơ quan từ khâu xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức thực hiện sao cho nhịp nhàng, hiệu quả. 

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, thu hồi tài sản do phạm tội mà có ở Việt Nam hiện nay là câu chuyện khá phức tạp, khó khăn. Với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và xã hội, song việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Cường cho rằng, trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng, mục tiêu thứ hai mà Đảng và Nhà nước đặt ra là thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay kết quả việc thu hồi tài sản tham nhũng lại khá khiêm tốn.

Theo kết quả báo cáo công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, công tác thu hồi tài sản từ các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn mặc dù còn hạn chế nhưng đang có xu hướng chuyển biến tích cực, hiệu quả trong việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có ngày càng được nâng cao.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng khó thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản do tham nhũng, trong những vụ án tội phạm về chức vụ nói riêng, Luật sư Cường cho rằng: Tâm lý trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, che giấu hành vi phạm tội, tẩu tán tài sản là tâm lý chung của tội phạm, khi có điều kiện, thời cơ, các đối tượng phạm tội sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để che giấu hành vi của mình cũng như tẩu tán tài sản.

"Nhiều đối tượng khi bị phát hiện sẵn sàng không khai báo, không nộp lại tài sản do phạm tội mà có, kiên quyết giữ tài sản phạm tội bằng tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con” vì số tiền mà các đối tượng này đã tham nhũng được rất lớn, có thể khiến đời con cháu họ sống sung sướng lâu dài, bản thân họ không còn phải lo nghĩ cho con cháu của họ nữa", ông Cường nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi từ năm 2016 đến nay

    18:42, 12/01/2021

  • Thu hồi tài sản tham nhũng nhìn từ các quốc gia

    05:00, 18/09/2019

  • Kê khai tài sản tham nhũng: Sẽ có thể “lách luật”

    17:39, 13/06/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó thu hồi tài sản tham nhũng: Tại sao khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO