Kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền khoa học và công nghệ (KHCN) cả nước, ngành KHCN Hưng Yên đã bám sát mục tiêu phát triển, ghi dấu ấn quan trọng, trở thành động lực, là giải pháp đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Ông Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hưng Yên, ngành KHCN đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH tỉnh như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phát triển công nghiệp công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới… giai đoạn 2015 - 2020, Sở KHCN đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên xác định, tuyển chọn, phê duyệt, triển khai thực hiện khoảng gần 200 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng và được ứng dụng triển khai thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Trong giai đoạn 2020-2023, Sở KHCN Hưng Yên đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 37 văn bản và 23 chương trình, đề án, kế hoạch thuộc lĩnh vực KHCN; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 88 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh đã được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp; công nghiệp; TTCN; CNTT; sở hữu trí tuệ… Đến nay, Sở đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 30 sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương, gồm: 01 Chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên ” cho sản phẩm nhãn lồng; 12 Nhãn hiệu chứng nhận như: Vải trứng Hưng Yên; Mật ong hoa nhãn Hưng Yên; Cam Hưng Yên…; 17 nhãn hiệu tập thể như: Tương bần; Quất cảnh Văn Giang; Gà Đông Tảo... Đây là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Hưng Yên tại các thị trường trong và ngoài nước.
Kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ phần đóng góp (%) của tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ngày càng cao, bình quân giai đoạn 2015-2021 đạt 53,23% (bình quân giai đoạn 2020-2021 đạt 66,16%). Từ đó cho thấy, KHCN thực sự là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để đẩy mạnh phong trào tăng năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh, ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030.
UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/9/2021 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo nên phong trào “Khởi nghiệp” lan tỏa, rộng khắp trong thanh niên, phụ nữ, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Sở đã hỗ trợ xây dựng trên 20 mô hình khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ; tham mưu Hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận trên 150 sáng kiến có phạm vi áp dụng toàn tỉnh.
Từ năm 2015 đến nay, Sở đã góp ý về công nghệ đối với 400 dự án đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh được tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu các công nghệ mới tại các sự kiện kết nối cung cầu - công nghệ do Bộ KHCN và địa phương tổ chức, giúp các doanh nghiệp địa phương có cơ hội hợp tác các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hướng dẫn, hỗ trợ cho hơn 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ 02 doanh nghiệp đăng ký tham gia đạt Giải vàng chất lượng quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ngày 05/12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030, với mục tiêu đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh trên 50%; tăng đầu tư, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KHCN&ĐMST, phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội cho KHCN&ĐMST đạt 1,2%-1,5% GRDP, đến năm 2030, phấn đấu đạt 1,5%-2% GRDP; phấn đấu đến năm 2030, hỗ trợ triển khai áp dụng, cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 12 người/1 vạn dân, trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò của KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần xác định KHCN&ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN&ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển KHCN&ĐMST của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 gắn với chuyển đổi số trong những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm