Ngày 1/1, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
>> Cao Bằng vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh
Tham dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ngãi.
Về phía tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện: Thạch An, Trùng Khánh, Quảng Hòa và đông đảo bà con nhân dân nơi triển khai dự án.
Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công tư PPP. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 với chiều dài toàn tuyến khoảng 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).
Tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay.
Trong giai đoạn 1, Liên doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 thi công dự án.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi hoàn thành sẽ là điểm kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn tạo tuyến cao tốc huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc)- Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế cửa khẩu hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; tạo tiền đề phát huy các lợi thế sẵn có của Cao Bằng, tăng thu ngân sách bền vững từ các dịch vụ du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết vấn đề thu ngân sách hằng năm, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giảm áp lực điều tiết các nguồn hỗ trợ từ Trung ương.
Bên cạnh đó, cùng với Quốc lộ 3 và 4 đã có sẽ kết nối linh hoạt Cao Bằng với cả nước và quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác mọi mặt của nhân dân trong tỉnh với các vùng miền của cả nước, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân. Đồng thời, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng xuống Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3 - 4 giờ và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến những nỗ lực vượt khó, vươn lên của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Cao Bằng, trong việc phát triển ngành công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng với phương châm “giao thông đi trước mở đường”.
Thủ tướng đánh giá Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình được chọn thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù, trong đó có việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước lên tới 70%. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, quyết tâm triển khai công trình đặc biệt này, qua đó góp phần hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc hoàn thành cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát khao, mong mỏi của chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng vì sự phát triển của địa phương thông qua việc kết nối với các địa phương trong khu vực; đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh cho các tỉnh phía Bắc, tạo nên một tuyến cao tốc đối ngoại mới cho đất nước. Đây là lý do khiến Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) từng được lên kế hoạch đầu tư sau năm 2030 nhưng được ưu tiên nguồn lực để triển khai sớm.
Ngoài khó khăn về địa chất, Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế huy động vốn PPP; tính khả thi tài chính. Tuy nhiên, với tinh thần “vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó”; tăng thu, tiết kiệm chi để có thêm nguồn lực ngân sách, Dự án từng bước vượt qua khó khăn. Thủ tướng yêu cầu, các đơn vị triển khai Dự án phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, "qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi" để làm cao tốc được thẳng nhất, ít tác động tới môi trường cảnh quan; xem xét triển khai ngay việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từ 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe.
Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Đèo Cả đã sáng tạo, áp dụng mô hình PPP+ được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam; ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong triển khai các dự án. Đề nghị chính quyền 2 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn quyết liệt hơn nữa trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư; liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu huy động mọi nguồn lực, thi công 3 ca, 4 kíp, “vượt nắng, thắng mưa” để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; quan tâm chăm lo đời sống của người dân trong vùng dự án, nhất là những hộ dân phải di dời giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Khởi đầu từ năm 2015, sau gần 2 nhiệm kỳ xúc tiến triển khai Dự án, có thời điểm dự án bị chững lại do đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động, kiên quyết, kiên trì, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuyến đường hoàn thành sẽ là yếu tố then chốt để tỉnh thúc đẩy liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội tạo cơ hội đột phá đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi, khát vọng, niềm mơ ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, tạo động lực quan trọng để các địa phương trong khu vực đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà cho công nhân thi công, nhân dân nơi triển khai dự án. Các đơn vị trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 31 tỷ đồng, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel mỗi đơn vị 10 tỷ đồng; Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng hỗ trợ 1 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm