Tâm điểm

Khơi dậy nội lực, khai phóng vận hội

Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings 30/04/2025 04:51

Việt Nam đang ở trong thời điểm vô cùng quan trọng, vận nước cùng “hội tụ”, tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để chúng ta thực thi khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

hoi nghi
Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Trần Huấn

Với tầm nhìn phát triển quốc gia dài hạn 100 năm của Đảng; đây là bước ngoặt, vận hội mang tính lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

phung xuan minh
Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings

Thời cơ lịch sử

Song với bối cảnh, môi trrường chính trị - kinh tế thế giới diễn biến nhanh, đầy biến động và khó dự báo với nhiều khó khăn, thách thức lớn; đòi hỏi cùng tầm nhìn xa, việc triển khai các quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều vấn đề hệ trọng và yêu cầu phát triển đất nước cao hơn.

Nền tảng lớn của chúng ta là tiếp tục phát huy cao độ truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam bối cảnh mới, khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của các tầng lớp nhân dân trong nước và tất cả các kiều bào ta ở nước ngoài để góp phần chung sức chung lòng cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách đột phá quốc gia toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ, với cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách mở cửa, khơi thông các nút thắt, điểm nghẽn và giải phóng mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước. Đi cùng, là kỳ vọng về cải cách bộ máy quản lý, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân, tạo ra một thể chế quản trị quốc gia thông minh và hiệu quả.

Kỳ vọng giải pháp đồng bộ

Trong bối cảnh xu hướng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu diễn ra ngày gia tăng gay gắt và phức tạp; gây ra nhiều khó khăn, thách thức và bất lợi cho từng quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần hết sức chú trọng khai khác, tận dụng triệt để và phát huy cao độ về các nhân tố lợi thế cạnh tranh so sánh của quốc gia để không ngừng gia tăng vị thế và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Cùng với đó, toàn diện và đồng bộ các yếu tố hạ tầng phát triển quốc gia như hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng logictics, hạ tầng kinh tế số; xã hội số; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng dữ liệu, nhằm góp phần làm gia tăng nguồn lực cạnh tranh, tạo động lực mới và xác lập đường băng cất cánh phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nhanh, mạnh và bền vững trong trung và dài hạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Dữ liệu là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững. Với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định các mục tiêu phát triển đất nước cần phải bảo đảm nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu.

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là phù hợp xu hướng dòng chảy phát triển của thời đại. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến có nền kinh tế số phát triển, để đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần phải có ít nhất khoảng 100.000–150.000 doanh nghiệp công nghệ số để tiên phong, tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia. Đồng thời, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển môi trường bền vững.

Những thách thức thuế quan gần đây cho thấy để tự chủ cho trước mắt lẫn lâu dài, chúng ta cần nhanh chóng tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Cùng với đó, vai trò của các động lực quan trọng của nền kinh tế gồm doanh nghiệp Nhà nước và Khu vực tư nhân, đòi hỏi những bước đột phá mới. Song song, tiếp tục nâng cao tính hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới.

50 năm sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới, Việt Nam có thể kỳ vọng vào chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về sức bật đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Việc phát huy sức mạnh nội sinh của hệ thống doanh nghiệp quốc gia và tạo công ăn việc làm, và sinh kế lâu dài cho người dân, mở ra hành trình thực hiện mục tiêu, khát vọng đến 2045, Việt Nam là nước thu nhập cao, trên 20.000 USD/người.

Con đường phát triển của Việt Nam là không thể tách rời với xu thế phát triển chung toàn cầu, dòng chảy của thời đại và nền văn minh của nhân loại. Trên con đường đó chúng ta cần phải tiếp tục chủ động tích cực đẩy mạnh công cuộc cải cách quốc gia toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế đầy đủ, theo hướng đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Để nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng mang tính thời đại của thế giới ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới; xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi dậy nội lực, khai phóng vận hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO