Việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm sẽ giúp các tổ chức tín dụng có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để xử lý những “điểm nghẽn” đã và đang tồn tại.
>>BIDV phát mãi hàng loạt tài sản đảm bảo, nhiều khoản nợ khó tìm chủ mới
Đây là chia sẻ của Chuyên gia Quách Duy Mỹ - Trưởng phòng Cao cấp, Trung tâm sản phẩm cho vay thế chấp ngân hàng VPBank với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được đưa vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây được cho là một trợ lực quan trọng cho hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực tiễn triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 cho thấy, nếu hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện một cách hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo được quyền chủ nợ. Tuy vậy, quá trình thu giữ tài sản bảo đảm trên thực tế luôn là một thách thức không nhỏ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, việc thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm cũng có rất nhiều tình huống phát sinh. Điển hình như, trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba (các đồ gia dụng, điện tử, quần áo, giường tủ...) mà bên bảo đảm hoặc bên thứ ba không tự nguyện dời đi. Trong khi, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với các trường hợp này dẫn đến TCTD gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí cho việc xử lý những tài sản này (thuê nơi trông giữ, hậu quả pháp lý của việc hao mòn, thiệt hại tài sản trong quá trình trông giữ, xử lý tranh chấp...).
Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung và xác định rõ nội hàm của thu giữ, bổ sung điều kiện để thực hiện việc thu giữ (tại hợp đồng bảo đảm đã có thỏa thuận thu giữ, thông báo cho các bên có liên quan trước khi tiến hành thu giữ, biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng, việc thu giữ đã được thông báo công khai…), vai trò của các cơ quan có liên quan trong quá trình thu giữ, giới hạn ủy quyền thu giữ…
Việc luật hóa quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, sẽ giúp TCTD thực hiện thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa tổ chức tín dụng và bên có tài sản bảo đảm, trong đó điều kiện tiên quyết là có sự đồng ý cho phép thu giữ tài sản của chủ tài sản. Do đó, luật hóa quy định nội dung thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết.
- Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thu giữ tài sản bảo đảm hiện nay?
Chủ động xử lý tài sản bảo đảm được xem là một trong những biện pháp quan trọng để giúp các TCTD thúc đẩy nhanh chóng hoạt động xử lý nợ xấu. Trong khi, điều kiện tiên quyết để có thể chủ động xử lý tài sản bảo đảm là TCTD phải nắm giữ, kiểm soát hoặc chi phối được tài sản bảo đảm một cách hợp pháp, vì vậy, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm sẽ giúp các TCTD có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để xử lý những “điểm nghẽn” đã và đang tồn tại.
Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, thỏa thuận về thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm là một điều kiện tiên quyết để phát sinh quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD. Do đó, với các hợp đồng được ký kết trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực không tồn tại thỏa thuận về thu giữ tài sản bảo đảm thì TCTD không được tiến hành thu giữ trừ khi đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký phụ lục hợp đồng bổ sung nội dung về thu giữ tài sản bảo đảm. Thực tế cho thấy, khách hàng có nợ xấu thường không hợp tác nên TCTD dường như không thể thực hiện quyền này.
Xét về hành vi, thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp này sẽ có tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác, chưa kể đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở nếu tài sản bảo đảm là nhà ở. Đây là những quyền hiến định, được pháp luật bảo vệ tại Điều 22, 32 Hiến pháp 2013 và Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015. Vì vậy, khi quyền thu giữ tài sản được luật hóa sẽ tránh được nguy cơ xung đột với các quyền nói trên.
- Ngoài những quy định đã được đưa vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), để quyền thu giữ tài sản bảo đảm tăng tính hiệu quả trong thực thi, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Thực tế hiện nay cho thấy, cơ chế xác minh thông tin về tài sản bảo đảm hiện tại còn thiếu cơ sở dữ liệu cho phép các TCTD tra cứu thông tin tài sản từ phía Tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản hay sở tư pháp. Chưa kể, hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về việc xác định thế nào là một tài sản đang có tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều cấp, nhiều nơi khác nhau.
Để đảm bảo việc luật hóa trở thành giải pháp hữu hiệu và lâu dài, theo tôi, Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về tài sản để các cơ quan hữu quan cập nhật tình trạng tài sản và cho phép các bên truy cập dữ liệu theo thủ tục pháp luật quy định. Đồng thời, pháp luật cần bổ sung quy định để mở đường cho sự tham gia của các tổ chức hành nghề thừa phát lại vào công đoạn xác minh tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm và công nhận giá trị pháp lý của kết quả xác minh tình trạng tài sản của tổ chức này như là điều kiện để TCTD tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm