Thủ tướng vừa bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Quốc gia. Đây là "ghế nóng", vì để khôi phục lại ngành kinh tế huyết mạch, ông Vượng còn nhiều việc phải làm
Ngày 29/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Gần 15 năm sản xuất, kinh doanh xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới và đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng trong nước nhưng PVN đã để lại nhiều cảm xúc trái ngược trong cuộc sống của xã hội.
PVN không chỉ đem "cảm xúc" tốt đến với các cơ quan quản lý nhà nước, với an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, đóng góp không nhỏ và nền kinh tế thời mở cửa... mà còn là những ảnh hưởng tiêu cực, gây tác động xấu đến chính sách đầu tư của nhà nước, xã hội bất an. Đơn cử như thua lỗ của Tập đoàn PVN, hậu quả gây ra vô cùng lớn về tài sản mất đi khó có khả năng thu hồi, hàng loạt cán bộ xuất thân từ ngành dầu khí từ trung cấp, cao cấp đã vướng vào vòng lao lý.
Khách quan để nhận diện và giải pháp nào để khôi phục niềm tin của nhân dân, Chính phủ và tái cơ cấu tạo đà phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này của quốc gia? Nếu chúng ta vẫn không thẳng thắn nhìn nhận các lỗi của thể chế, chính sách đã ban hành không phù hợp, không chuẩn đối với Tập đoàn PVN và các Tập đoàn, Tổng Công ty 90 - 91 do Nhà nước là cơ quan chủ quản.
Khi thành lập các Tập đoàn, các Tổng Công ty do nhà nước quản lý về vốn, tài nguyên, chính sách đã được tư vấn, tham mưu và áp dụng theo các mô hình của các tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực của nước ngoài. Họ là tập đoàn tư nhân, là cổ phần nên họ có khả năng thu hút được nhân tài của nhiều lĩnh vực khác nhau, vốn hoá của họ rất lớn nên có thể kinh doanh sản xuất đa lĩnh vực nhưng họ vẫn có những tiêu chí cụ thể, chuẩn xác để làm chủ đạo. Còn Việt Nam thì sao? Khi chính sách buông lỏng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh tràn lan, xao nhãng ngành nghề chính và mục tiêu, nhiệm vụ của mình.
Tập đoàn PVN là minh chứng cụ thể nhất, họ dựa trên ưu thế tuyệt đối của mình là khai thác dầu thô, bán lấy tiền, lợi nhuận cao, lắm tiền nên nhẩy sang kinh doanh địa ốc, ngân hàng, đầu tư ra nước ngoài... trong khi nhân sự thì yếu kém, quản lý tầm vĩ mô và hiểu biết như cậu học trò ăn đong, vay mượn. Chiến lược, chiến thuật trong cái ao làng thì sao có thể vươn xa, bay xa.
Chính phủ và Bộ Công Thương liên tiếp thay tướng về Tập đoàn PVN, nhưng hiệu quả không như mong muốn, tập đoàn vẫn chìm trong nợ nần, mất phương hướng trong việc tái đầu tư những nhà máy đang nằm phơi nắng, phơi mưa. Thu hồi vốn đã đầu tư ra nước ngoài càng khó hơn, chưa kể sẽ mất trắng. Vấn đề đã và đang đặt ra như "lửa cháy ngang mày", như "trứng treo đầu đẳng".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2020, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương về là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý nhà nước tại địa phương, Tập đoàn lớn và lãnh đạo Bộ Công Thương, với những năm tháng học tại nước ngoài... hy vọng ông Vượng sẽ phát huy được khả năng, kinh nghiệm và chiều dày ông đã trải nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Hoàng Quốc Vượng ngồi trên ghế nóng (nóng nhất hiện nay) của DNNN do Chính phủ quản lý. Chín phương, mười hướng bao quanh ông là bất lợi, quan trọng hơn nữa nguồn dầu thô của PVN đang suy kiệt, các mỏ thay thế chưa được phát hiện và tìm kiếm bởi biến động căng thẳng, nguy hiểm trên biển Đông nơi Việt Nam có chủ quyền đang bị đe doạ bởi Trung Quốc và các nước trong khu vực. Thêm nữa giá dầu thô giảm quanh ngưỡng 40USD / thùng thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 20%.
Giải pháp để khôi phục lại Tập đoàn PVN, ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của Quốc gia:
Thứ nhất, khoanh vùng lại tất cả tồn đọng do cơ chế, chính sách của Chính phủ và các lãnh đạo tiền nhiệm đã gây ra, để sang trang mới làm lại.
Thứ hai, bình ổn lại tâm thế của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động đã, đang trong tình trạng lo âu, thấp thỏm về công việc, tiền lương, mọi khía cạnh trong cuộc sống để họ an tâm lao động sản xuất.
Thứ ba, tái cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo nòng cốt, thực tài, có tâm và có tầm, thay đổi máu của chính cơ thể khi đã nhiễm độc. Tạo động lực cho PNV có khí thế mới sức chịu đựng mới.
Thứ tư, đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đồng ý cắt bỏ những DA không hiệu quả, dù mất vốn đã đầu tư còn hơn cố theo đuổi vì thành thích, vì sỹ diện hão. Đề xuất Chính phủ tập trung vốn cho các dự án đã đầu tư giai đoạn cuối có khả năng tạo nhiều công việc cho người lao động, có khả năng sinh lợi.
Theo cách nhìn của người viết, nếu ông Hoàng Quốc Vượng làm được như vậy và được sự ủng hộ xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành liên quan ông sẽ thành công và tôi tin tưởng ông sẽ làm được, mang cái không thể thành có thể.