Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ đã mở ra cơ hội cho rất nhiều startup đam mê công nghệ.
Các bạn trẻ ngày nay chỉ cần một ý tưởng tốt, một mục tiêu đúng đắn là có thể bắt đầu khởi nghiệp dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với thế hệ chưa có nền công nghệ 4.0. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp cho hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Cùng với đó sự hiện diện của các nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ đánh giá vào lĩnh vực kinh doanh hay số vốn cần để cạnh tranh. Mà nó nằm ở khả năng “tăng trưởng nhanh” về khách hàng hoặc doanh thu của startup đó. Khởi nghiệp sáng tạo là một cộng đồng đặc biệt, nó mang tính chất tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc khách hàng mới…. Thông qua những công nghệ mới cùng các ý tưởng kinh doanh mới chưa từng có. Bên cạnh đó là cách tiếp cận thị trường mới cùng công nghệ thông tin không biên giới.
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, xong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đột phá ở mọi lĩnh vực dường như đều phải có liên quan tới công nghệ. Công nghệ sẽ được ứng dụng trong nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục… để xây dựng một xã hội số, nền kinh tế số và tiến tới là quốc gia số. Những dự án khởi nghiệp công nghệ là nòng cốt của khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, xu hướng khởi nghiệp chủ yếu là công nghệ nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo (AI), blookchain, dữ liệu lớn (Big data)… Những startup nắm được xu thế này sẽ có rất nhiều cơ hội để rộng mở hơn.
Dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI từng chia sẻ, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. “Khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều sự hỗ trợ của thể chế, chính sách, để tiến gần hơn tới hành động” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi từng chia sẻ, theo báo cáo của Do Ventures năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới. “Các startup cần chuẩn bị tài liệu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cuộc gặp với nhà đầu tư có thể kéo dài 10 phút đến 2-3 tiếng hay thậm chí là 30 giây trong thang máy, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là phải tóm tắt được công việc kinh doanh của mình trong một câu ngắn gọn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư”. Tuy vậy, startup không nên gọi vốn bằng mọi giá. “Phải xác định rõ mục tiêu gọi vốn chứ không phải gọi vốn theo phong trào. Đừng gọi vốn cho vui, đừng thấy doanh nghiệp đang cạnh tranh với mình gọi vốn thì mình cũng gọi vốn.
Hiện nay, các dự án khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tại Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trong những năm gần đây. Vào năm 2017, Hà Nội thành lập Vườn ươm doanh nghiệp, đến nay đã có rất nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực trong vườn ươm này kêu gọi đầu tư và đang có chiều hướng phát triển tích cực.
Báo cáo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là thành phần hình thành nên thị trường và nền kinh tế, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền cơ cấu kinh tế chuyển dịch để phát triển trong tương lai. Cùng với vai trò giúp giải quyết vấn đề việc làm đối với xã hội, khởi nghiệp sáng tạo cũng chính là hình mẫu lý tưởng để nghiên cứu và áp dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới, gia tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế, phân phối lại nguồn vốn và của cải trong xã hội, mang lại tư tưởng mới phù hợp hơn dựa trên kiến thức và đổi mới sáng tạo không chỉ đối với thế hệ lao động trẻ mà còn là toàn xã hội.