Những thành công bước đầu của Ecohost và I love Asia tour cho thấy, còn có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp tốt trong ngành du lịch đang bùng nổ tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm trước. Mục tiêu vào năm 2020, Việt Nam sẽ có 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế. Trong các buổi tư vấn đầu tư, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, du lịch đang là một ngành đáng đầu tư nhất ở Việt Nam, sau lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay tiêu dùng.
Theo đó, du lịch đang là thị trường phát triển tuyệt vời cho các startup đổi mới sáng tạo, như trường hợp của 2 startup Ecohost và I love Asia Tour (ILAT): Ecohost vừa dành ngôi vị Á quân trong cuộc thi Startup đổi mới sáng tạo năm 2018 do Tổ chức khởi nghiệp du lịch đổi mới – sáng tạo vùng Me Kong (MIST) tổ chức, còn ILAT vào vòng chung kết giải đấu này năm 2017.
Năm 2017, sau một chuyến "xuôi phương Nam" của 3 nữ doanh nhân kỳ cựu trong ngành du lịch Việt gồm chị Nguyễn Thị Thu Hà (Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tầm Nhìn Việt), chị Trương Thị Hiền (Giám đốc Công ty Sister Tour Vietnam) và chị Bùi Thị Nhàn (Giám đốc Công ty Ecosea Travel), ý tưởng thành lập Ecohost đã ra đời.
“Tiểu vùng sông Mê Kông của chúng ta có nhiều điểm đến rất hấp dẫn, nhưng homestay lại đơn điệu về dịch vụ cũng như không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhiều du khách muốn trải nghiệm những dịch vụ mang tính địa phương và muốn chia sẻ những giá trị mà họ có, song lại không có nhiều sự lựa chọn.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều du khách muốn được trải nghiệm việc sinh hoạt chung với người dân địa phương trong chính ngôi nhà của họ. Mỗi năm, trên Airbnb có thêm 20.000 homestay đăng ký làm thành viên. Ngoài ra, cả ba chúng tôi đều muốn xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững”, chị Nguyễn Thị Thu Hà tiết lộ nguyên do xuất hiện của Ecohost.
Tình trạng trên không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà diễn ra trên khắp cả nước. Thực tế, hầu hết mô hình homestay ở Việt Nam có chất lượng không cao lắm, do thiếu đầu tư vào sản phẩm. Các chủ hộ chưa được đào tạo bài bản về những hoạt động trong ngành du lịch như tiếp khách, marketing, sale… nên mô hình homestay ở Việt Nam chưa hiệu quả.
Sau khi thành lập, Ecohost đã đưa ra khá nhiều chương trình để nâng cao chất lượng của các homestay, từ nâng cấp nội ngoại thất homestay cho tới cải thiện khả năng làm dịch vụ của chủ hộ. Theo đó, chị Bùi Thị Hiền được phân công làm CEO của công ty, chị Thu Hà phục trách công việc sale-marketing, còn chị Trương Thị Hiền đảm nhiệm công tác đào tạo.
Bắt đầu, các nhà sáng lập Ecohost đã phải tự mình đến gặp và khuyến khích từng chủ hộ nâng cấp các homestay của họ lên chuẩn quốc tế, nhằm đủ điều kiện đón tiếp du khách nước ngoài cũng như người dân thành phố. Ecohost cũng tư vấn cho chủ hộ cách làm du lịch một cách bền vững nhất, hỗ trợ bán hàng cũng như đưa hình ảnh gia đình của chủ hộ lên hệ thống.
Cụ thể: Ecohost xây dựng những platform để giới thiệu homestay của người dân theo đúng chuẩn cách mạng công nghệ 4.0, thông qua các website, mobile app…; chạy các chương trình marketing online cho các homestay. 5.000 USD mà Ecohost nhận được sau khi về nhì cuộc thi do MIST tổ chức trong năm nay, có thể sẽ được họ đầu tư vào hệ thống - nền tảng kể trên.
Ecohost cũng cung cấp cho các chủ hộ những khóa đào tạo nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng đón tiếp khách, cách làm du lịch bền vững, huấn luyện cả các công việc chi tiết hàng hàng như dọn dẹp nhà cửa - trải chăn nệm - phục vụ du khách….
Đồng thời, Ecohost còn đến khảo sát từng địa phương, để tìm những danh lam – thắng cảnh, làng nghề, gia đình làm thủ công mỹ nghệ; liên kết tất cả để họ trở thành những tuyến điểm, kết nối với các homestay Ecohost ở địa phương. Bên cạnh đó, Ecohost còn cố gắng thúc đẩy phát triển những sản phẩm mà chủ hộ có thể tự làm ra để phục vụ du khách.
Theo chị Thu Hiền, hiện tại, trong giai đoạn đầu tiên, Ecohost đã liên kết được với 60 ngôi làng trên toàn quốc, mỗi ngôi làng, startup này đã cố gắng chọn từ 5 đến 8 gia đình, sau đó cho họ vay vốn (nếu cần thiết), mỗi gia đình – có thể vay từ 2.500 USD để xây dựng homestay. Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, trên hệ thống Ecohost sẽ có khoảng 300 hộ gia đình với 300 homestay tham gia.
"Ecohost và các ứng viên lọt vào vòng chung kết MIST khác đã cho thấy các doanh nhân trong khu vực Mê Kong sáng tạo như như thế nào trong kinh doanh để có giải pháp thiết thực giải quyết các vấn đề của ngành du lịch, trong khi còn cố gắng làm cho du lịch trở nên toàn diện và bền vững hơn", đại diện của MIST nhận xét.
Nếu chủ thể chính của Ecohost là các chủ hộ và homestay, thì các chủ thể chính trong dự án I love Asia tour là các bạn sinh viên nữ và chiếc xe máy của họ.
I love Asia tour tiền thân chỉ là một dự án cộng đồng tên I love Hue tour của cô sinh viên tên Nguyễn Thị Hương Liên lập ra vào năm 2014, mục đích “là để hỗ trợ các bạn sinh viên nữ có môi trường luyện tập Anh ngữ - tự tin hơn trong giao tiếp, đồng thời góp phần phát triển du lịch của thành phố Huế”, theo như lời thú nhận của Hương Liên.
Theo đó, Hương Liên sẽ tuyển các bạn sinh viên nữ có ngoại ngữ tốt ở các trường đại học ở Huế, sau một khóa huấn luyện cấp tốc về việc chở khách bằng xe máy như thế nào – hướng dẫn du khách ra sao, các nữ tình nguyện viên - được gọi là lady biker, sẽ chở khách theo những tour nhanh mà I love Hue tour đã thiết kế. Mô hình này có thể chở khách du lịch đi bất cứ chứ không cố định như các tour truyền thống.
Sau một năm hoạt động, I love Hue tour nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và cũng trong thời gian đó, Hương Liên sẽ tốt nghiệp đại học và cần tìm một công việc tốt; thế là việc thành lập công ty tên I love Hue tour manh nha xuất hiện trong đầu cô gái trẻ này. Năm 2016, I love Hue tour trở thành một doanh nghiệp chứ không còn là một dự án cộng đồng ngắn ngày.
Cũng như bao bạn trẻ khởi nghiệp khác, hành trình của Hương Liên cũng hết sức gian nan. “Tôi quả thật đã khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, mọi thứ liên quan đến làm sản phẩm hay hoạt động của công ty đều một tay tôi tự học – tự làm, như xây dựng website, làm marketing online, sáng tạo tour…”, Hương Liên nhớ lại.
Đầu năm 2017, I love Hue tour đã mở rộng về phía Nam, công ty có thêm I love Hoi An Tour, rồi I love Da Nang Tour, đến I love Sai Gon Tour, cuối cùng là I love Ha Noi Tour. Mỗi thành phố, Hương Liên thiết kế khoảng từ 10 đến 30 tour khác nhau, có thể tour chuyên về ẩm thực, lối sống, lịch sử…
Tuy nhiên, tham vọng của nhà sáng lập này không chỉ dừng lại việc chạy mô hình ở từng thành phố riêng lẻ, mà muốn nó có mặt khắp cả Việt Nam lẫn Đông Nam Á và châu Á. Thế nên, lần lượt I love Vietnam Tour và I love Asia Tour đã ra đời trong năm 2017.
Tính đến tháng 8/2018, I love Vietnam tour có hơn 70 lady biker, trong đó có 2 guide là người câm điếc nhằm phục vụ những du khách tương tự. Hiện tại, startup này đã dựng nên I love Luang Prabang tour và I love Lao tour với 15 lady biker.
Kế hoạch của Hương Liên trong 5 năm tới là phát triển mô hình hướng dẫn viên lady biker ra khắp châu Á.