Khởi nghiệp ở Nghệ An - Bài 2: Những “trở ngại” cản bước startup

HỒNG QUANG 27/06/2024 01:14

Dù hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An có nhiều bước tiến vượt bậc, vậy nhưng trên thực tế mới chỉ là thành công bước đầu, chưa phát huy hết lợi thế của địa phương.

>>Khởi nghiệp ở Nghệ An – Bài 1: “Bệ đỡ” cho những doanh nhân trẻ!

“Các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) Nghệ An hiện đã có đủ nhưng hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ, sự liên kết lẫn nhau vẫn còn rời rạc ở quy mô nhỏ. Điều này dẫn đến các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian qua vẫn mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều vấn đề còn tồn tại.” – ông Nguyễn Hữu Hòa – Trưởng phòng phụ trách Trung tâm KN ĐMST tỉnh Nghệ An đánh giá.

Startup liên tiếp gặp khó…

Nhìn nhận lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của startup Nghệ An trong thời gian vưa qua, ông Nguyễn Văn Hoàng – một thành viên của BNI Nghệ An cho hay: Những năm trở lại đây, đại đa số các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chập chững bước vào thương trường chưa được bao lâu thì đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân, có cả khách quan lẫn chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, đó là tình hình kinh tế thị trường trong và ngoài tỉnh bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lạm phát cùng những căng thẳng chính trị thế giới gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng của người dân bị sụt giảm trầm trọng.

Các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.

Các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.

Thực trạng đó đã khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp có tuổi đời còn non trẻ rơi vào tình cảnh trầm lắng, ảm đạm. Hàng nghìn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đã phải rời bỏ cuộc chơi khi không thể trụ vững trên thương trường đầy khốc liệt, sức cạnh tranh ngày càng tăng cao.

Dẫn chứng cụ thể ông Hoàng nêu ra, đó là trong năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh Nghệ An có 1.468 doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động, đặc biệt có hơn 250 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 41,81% và 401 doanh nghiệp thông báo giải thể, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022. Hay như chỉ mới 6 tháng đầu năm 2024 đã có đến gần 1.000 doanh nghiệp thoái lui khỏi thị trường, bằng khoảng 2/3 so với cả năm 2023…

“Về nguyên nhân chủ quan, nội lực của những startup có sự hạn chế nhất định. Điều này được thể hiện qua quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, nguồn vồn, nguồn nhân lực ít, khả năng cạnh tranh cùng tư duy quản lý, tầm nhìn và phương hướng hành động thích nghi với thời cuộc của người đứng đầu doanh nghiệp còn thấp” – ông Hoàng nói.

Đồng quan điểm nêu trên, bà Phan Thị Quỳnh Anh – Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống đóng trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ rằng: Liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế gặp khó khăn chung đã kéo theo việc thắt chặt chi tiêu của người dân, phụ huynh trên địa bàn. Điều này khiến cho các trung tâm của công ty không thể thu hút được nhiều học sinh đăng ký như trước đây, kéo theo doanh thu bị sụt giảm, thu không đủ bù chi và hệ lụy tất yếu là chúng tôi buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Vẫn còn nặng tính phong trào

Qua góc nhìn thực tế của vị chuyên gia trên cũng cho thấy một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Nghệ An vẫn chưa thực sự khởi sắc hoàn toàn, còn những hạn chế, chưa thể phát huy được các lợi thế của địa phương để phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hòa – Trưởng phòng phụ trách Trung tâm KN ĐMST tỉnh Nghệ An cho hay: Hiện nay các thành phần của một hệ sinh thái KN ĐMST Nghệ An đã có đủ nhưng hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc ở quy mô nhỏ, dẫn tới các hoạt động khởi nghiệp trong tỉnh trong thời gian qua vẫn mang tính phong trào, chưa thật sự hiệu quả và còn nhiều vấn đề còn tồn tại.

Hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đối với startup Nghệ An, số lượng các dự án khởi nghiệp đang gia tăng rất nhanh trong vòng hơn 2 năm trở đây với đa dạng các lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp mà còn đã sang các lĩnh vực công nghệ cao như giáo dục, livestream, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, chất lượng các dự án còn chưa tương xứng tiềm năng, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đa số các dự án đang ở trạng thái tăng trưởng thấp hoặc không thể tăng trưởng do bài toán thiếu vốn.

“Các doanh nghiệp KN ĐMST gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cố vấn, tư vấn, đào tạo khởi nghiệp cũng như tiếp cận tài chính, nguồn nhân lực. Việc ứng dụng ĐMST, KH&CN phục vụ sản xuất kinh doanh tại địa phương còn thấp, liên kết giữa startup-SMEs/DN lớn và startup - hệ sinh thái còn rời rạc” – ông Hòa phân tích.

Trong khi đó, ở khía cạnh chủ thể trong Hệ sinh thái KN ĐMST Nghệ An thì hoạt động các phong trào khởi nghiệp còn có sự độc lập, phân tán, thiếu tập trung, các mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa đồng bộ do chưa có một tổ chức chủ trì để dẫn dắt và điều phối.

Đại đa số startup đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn ở trạng thái tăng trưởng thấp hoặc không thể tăng trưởng…

Đại đa số startup đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn ở trạng thái tăng trưởng thấp hoặc không thể tăng trưởng…

Chưa kể, nguồn nhân lực về KN ĐMST còn thiếu hệ thống các chuyên gia, cố vấn,… cũng như môi trường giáo dục và đào tạo tại trường đại học còn nặng lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm chia sẻ đề tài của bên nghiên cứu gắn với chia sẻ nhu cầu công nghệ của phía doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm đến nhau hợp tác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Mặc khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vai trò của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các hoạt động của các doanh nghiệp KN ĐMST còn hạn chế khi chưa ban hành đề án, kế hoạch hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương mang tính tổng thể trong từng giai đoạn, chưa hình thành được Ban điều hành/điều phối KN ĐMST của tỉnh.

Đáng nói, địa phương cũng chưa huy động được sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, hỗ trợ về tiếp cận tài chính, tư vấn hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh…

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

  • Vốn giá trị quyết định thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp

    Vốn giá trị quyết định thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp

    01:23, 23/06/2024

  • Các công ty khởi nghiệp xe điện gồng mình vượt qua khủng hoảng

    Các công ty khởi nghiệp xe điện gồng mình vượt qua khủng hoảng

    01:46, 22/06/2024

  • 13 startup Việt tham gia Hội chợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp ASEAN-Nhật Bản

    13 startup Việt tham gia Hội chợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp ASEAN-Nhật Bản

    12:42, 20/06/2024

  • Tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024

    Tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024

    08:29, 20/06/2024

  • Kiến tạo môi trường khởi nghiệp cho thanh niên

    Kiến tạo môi trường khởi nghiệp cho thanh niên

    01:52, 20/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi nghiệp ở Nghệ An - Bài 2: Những “trở ngại” cản bước startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO