Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đó là vấn đề pháp lý. Vấn đề này đã được thảo luận tại Chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022, chiều 20/12/2022.
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của xã hội. Chất lượng các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo chiều hướng tốt lên với sự đóng góp của các quỹ đầu tư, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, vườn ươm, trường đại học... Đây cũng là hướng đi mà Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã nỗ lực triển khai trong nhiều năm qua.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đó là vấn đề pháp lý. Vấn đề này đã được thảo luận với chủ đề "Môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo" tại Chương trình "Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/12/2022.
Điều phối tại phiên thảo luận là nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Tại phiên thảo luận này, các diễn giả sẽ đưa ra các vấn đề mang tính gợi mở về định hướng chính sách và xu hướng trong khởi nghiệp sáng tạo thời gian tới.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (thuộc VCCI) khẳng định, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang dần hoàn thiện cả về môi trường pháp lý. Nói về pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là Luật đầu tiên chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Ban đầu khi đóng góp xây dựng Luật này, chúng tôi bàn cãi nhiều về định nghĩa “doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, các chính sách sau này để hỗ trợ nhóm đối tượng này đã được rõ ràng để hoàn thiện hơn với nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Như vậy, tính định danh về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã rõ ràng, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, từ đó các chính sách hỗ trợ được phát triển tiếp theo”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, quỹ mạo hiểm,…
“Như đã biết, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thiếu rất nhiều, kiến thức, kỹ năng quản trị, thiếu vốn…để khơi thông thì ngày càng có nhiều hơn những hỗ trợ cho doanh nghiệp, ví dụ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Thuỷ chia sẻ.
Phân tích sâu hơn, đại diện VCCI cho biết, có nhiều diễn giả đã cho rằng chúng ta còn thiếu nhiều khung chính sách. Ví dụ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP dù đã khuyến khích nhưng còn điểm nghẽn khi giới hạn số người đầu tư cho quỹ là 30 người, không đầu tư quá 50% vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vô hình chung làm giới hạn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, nhiều quốc gia cho phép mức này lên tới 80-90%.
Nhắc tới các chương trình Đề án như Đề án 844, hay các chương trình khởi nghiệp như của VCCI, bà Thuỷ cho rằng đã góp phần hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay Bộ khoa học và Công nghệ không chỉ là đầu mối triển khai đề án 844 về các hoạt động liên quan đến hỗ trợ, đưa các nguồn lực thúc đẩy các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp, mà việc xây dựng và hình thành hành lang pháp lý cũng rất được quan tâm.
Ông Hiệu cho biết, bên cạnh việc cùng tham gia, Bộ cũng có những sáng kiến góp ý cho rất nhiều văn bản pháp luật. hiện nay chúng ta chưa có văn bản chính sách đầu mối thống nhất về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà đang đưa vào luật văn bản pháp lý khác nhau. Vì vậy, thời gian vừa qua, chúng tôi đã có sự nỗ lực đưa vào một số văn bản quan trọng như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các Nghị định đi kèm; Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 mở ra kênh vốn quan trọng, từ những quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hay năm 2020, chúng tôi cũng nỗ lực góp ý đưa vào Luật đầu tư, bước đầu mở ra việc ưu đãi cho những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi cũng sửa đổi bổ sung Đề án 844 bằng Quyết định 188 để mở rộng việc thúc đẩy phát triển môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, khuyến khích thúc đẩy các thành phần, tạo lập mạng lưới, thúc đẩy phát triển nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo và cả cho các hoạt động hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"., ông Hiệu nói.
Ông Hiệu cho biết, hiện tại, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN cũng đang được Chính phủ giao Nghị quyết số 02 năm 2022 để làm việc cùng các doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ, thí điểm cơ chế nào đó cho các hoạt động, từ việc tài trợ, hỗ trợ và cả đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại Nghị định 76, hay Nghị định 38 đã nói, chúng ta có thể dùng những quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nói chung để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, nhưng bị khóa bởi một quy định rất chặt đó là theo Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, mà đối với luật này, quy định rất chặt chẽ về việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Ông Mr. Jayren Teo – Giám đốc Điều hành GEN Singapore (Global Entrepreneurship Network Singapore) bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam bởi ông nhìn thấy cơ hội rất lớn để hợp tác phát triển. Do đó, ông Mr. Jayren Teo cho biết, chúng tôi khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp Singapore đầu tư tại Việt Nam, tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị ở các chuỗi hàng hoá.
“Khi chúng tôi thành lập doanh nghiệp mới ở Singapore có được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, khi tham gia khởi nghiệp Chính phủ Singapore có cơ chế hỗ trợ và giúp chúng tôi tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác hoặc hỗ trợ những ý tưởng sáng tạo ra thị trường” – ông nói.
Có thể bạn quan tâm
16:05, 20/12/2022
15:55, 20/12/2022
15:42, 20/12/2022
15:33, 20/12/2022
14:25, 20/12/2022