Nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp quá tự tin cho rằng ý tưởng, sản phẩm của mình sẽ thành công trên thị trường mà không lường trước các thách thức có thể xảy ra.
Theo số liệu thống kê từ Hãng nghiên cứu thị trường eMarketer về tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu năm 2015, châu Á là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất với con số ấn tượng 30% trong khi châu Âu chỉ khiêm tốn ở mức 10%.
Thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Với 45,5 triệu người sử dụng internet, chiếm 49% dân số Việt Nam, cũng như 34% dân số dùng di động truy cập internet, bất cứ ai có ý định khởi nghiệp trong thương mại điện tử tức là đã bước vào đại dương xanh của khởi nghiệp.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, chỉ tính riêng thị trường bán lẻ online (B2C) tại Việt Nam, doanh thu năm 2015 đạt mức 4,07 tỷ USD và trung bình một người tiêu dùng bỏ ra 160 USD để mua các sản phẩm liên quan đến thương mại điện tử. Có thể thấy, xu thế phát triển thương mại điện tử không còn ở tương lai xa mà đã ở ngay trước mắt. Khởi nghiệp trong thương mại điện tử vì thế không thể chờ đợi mà nên bắt đầu ngay khi có thể.
“Sinh viên là nhóm có nhiều ý tưởng sáng tạo, có khả năng đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển thương mại điện tử”, ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng VECOM khẳng định, đồng thời nhấn mạnh khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam cần lưu ý hai vấn đề đó là ý tưởng (sự sáng tạo, đột phá so với doanh nghiệp đi trước) và cần xác định được cho mình thị trường mục tiêu.
Dù đánh giá cao sức trẻ và sức sáng tạo của sinh viên khi khởi nghiệp, các chuyên gia về thương mại điện tử đều cho rằng, không ít bạn trẻ hiện nay vẫn mang tâm lý ảo tưởng, xa rời thực tế khi cho rằng ý tưởng, sản phẩm của mình sẽ thành công trên thị trường mà không lường trước được những rủi ro, thách thức trước mắt.
Hành trình gian khổ
Ông Trần Trọng Tuyến – CEO của DKT (sở hữu nền tảng bán hàng online Bizweb) nhận định, khởi nghiệp trong thương mại điện tử không đơn thuần là một cuộc chơi mà là một hành trình đầy gian khổ.
Từ kinh nghiệm khởi nghiệp 8 năm nhằm gây dựng một công ty có hơn 500 nhân viên, 20.000 khách hàng, ông Tuyến đã chia sẻ nhiều quan điểm khác biệt khi nói về chuyện khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp không phải là làm điều to lớn thay đổi thế giới, khởi nghiệp là làm điều các bạn thích, các bạn say mê để phát triển bản thân và giúp đỡ những người các bạn thấy cần thiết. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, hãy làm việc hết mình, có ý nghĩa, sẽ có nhiều cách để thành công”, ông Tuyến nhắn nhủ.
Bàn sâu về khởi nghiệp cho riêng lĩnh vực thương mại điện tử, CEO của DKT cũng cho rằng để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, người khởi nghiệp cần xác định mình bán gì trên Internet, sử dụng hai kênh bán hàng phổ biến là mạng xã hội và website, trong quá trình thực hiện cần sử dụng hiệu quả các tính năng quảng cáo, hiểu khách hàng của mình, xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp.
Không được phép cầu toàn là một trong những lời khuyên được ông Tuyến gửi gắm đến các bạn trẻ có quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. “Với đặc tính thay đổi nhanh, liên tục trong thời gian ngắn, nếu cứ chờ đợi sự hoàn hảo thì thị trường đã thay đổi trước khi bạn kịp khởi nghiệp. Càng không nên ôm đồm quá nhiều thứ khi bắt đầu, chỉ tập trung vào năng lực mạnh nhất của mình. Công nghệ kỹ thuật quan trọng, nhưng tốt nhất nên để người khác lo”, ông Tuyến cho hay.
Học cách “đứng trên vai người khổng lồ”
Ông Lã Quốc Tuấn – Phụ trách kinh doanh của Interspace Việt Nam, công ty đang sở hữu hệ thống Affiliate (tiếp thị liên kết) hàng đầu Việt Nam chia sẻ, để thành công, các doanh nghiệp khởi nghiệp nên học cách “đứng trên vai người khổng lồ”.
“Các bạn sinh viên cần sử dụng những gì đã có để học tập và sáng tạo ra những điều tốt hơn để vươn cao hơn. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, người đi sau có lợi thế tiến nhanh hơn, nếu biết tiếp thu và ứng dụng thành công nguồn tài nguyên khổng lồ về khoa học, công nghệ, tài chính trên thế giới”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, giới trẻ khi khởi nghiệp nên lựa chọn dự án nhỏ để bắt đầu, đừng vội làm lớn với tính rủi ro cao. Với các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn có thể bắt đầu khởi nghiệp, kinh doanh trực tuyến với những công cụ vô cùng đơn giản, chỉ cần sở hữu website, blog, thậm chí tài khoản Facebook cá nhân hỗ trợ bởi những kiến thức về digital marketing.
Trong khi đó, anh Trần Đức Tâm đại diện của Công ty Z.com thì cho rằng, nếu ví thương mại điện tử ở Nhật Bản là người khổng lồ xanh (Hulk) thì ở Việt Nam mới chỉ là một lực sĩ. So sánh này để nói rằng tiềm năng lớn nhưng muốn thành công trong thương mại điện tử ở Việt Nam, các bạn trẻ cần tối ưu nhiều thứ. Một số yếu tố được nhắc đến như tên miền ấn tượng, dễ nhớ (từ 2 đến 4 âm tiết), đuôi tên miền phù hợp. Cùng đó, phải có một website nhanh; có sản phẩm tốt đánh đúng nhu cầu, tâm lý cũng như phải có chế độ hậu mãi tốt với khách hàng.