Mặc dù thị trường tiếp tục đỏ lửa nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn gia tăng mua vào cổ phiếu MBB, theo diễn biến room ngoại của MBB đã được nới tối đa.
Phiên giao dịch ngày mồng 9/7, khối ngoại vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, với 9,6 triệu đơn vị; phiên 8/7 với 110 ngàn đơn vị cổ phiếu MBB được khối ngoại tiếp tục mua; Phiên 7/7 241 ngàn cổ phiếu MBB được nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào. Vì sao cổ phiếu MBB được khối ngoại săn đón như vậy?
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy các ngân hàng có tập khách hàng phong phú và đa dạng như Vietcombank, Techcombank, ACB, MB... sẽ tận dụng được hồi phục kinh tế nói chung cũng như từ sự phục hồi ngành sản xuất, dịch vụ nói riêng.
Bên cạnh đó, nhóm có nguồn vốn dồi dào với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như TCB, VCB, MBB, cho phép các ngân hàng này cung cấp tín dụng cho khách hàng với lãi suất cho vay cạnh tranh. Đây cũng là điều lý giải vì sao cổ phiếu MBB nói riêng và nhóm ngân hàng nói chung tiếp tục hút dòng tiền mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, MBB đã nhận thông báo từ UBCK Nhà nước về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của ngân hàng này. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của MB là 23,2351%. Con số này cao hơn so với mức 22,99% trước đó. Năm 2020, MB cũng đã nới room ngoại từ 20,9% lên 22,99%.
Ngày 13/7 tới đây, MB sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35%. Theo phương án tăng vốn đã được cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, MB sẽ phát hành hơn 979 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng.
Sau khi trả cổ tức, MB sẽ thực hiện tiếp lần tăng vốn thứ 2 với khoảng 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu); và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.
Lần tăng vốn thứ 3 là thêm khoảng 192,4 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Tổng 3 lần tăng vốn trong năm nay sẽ giúp MB nâng vốn điều lệ thêm 10.700 tỷ đồng, lên trên khoảng 39.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu MBB cũng đặc biệt hút nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại tập trung mua ròng lượng lớn từ đầu tháng 7 tới nay. Chốt phiên 8/7, tỷ lệ vốn ngoại tại MB đạt 21,5%, như vậy vẫn còn cơ hội để khối ngoại tiếp tục mua vào cổ phiếu này trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng “đại hạ giá” bất động sản để thu hồi nợ nhưng vẫn ế
05:00, 09/07/2021
Tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành có lợi ích gì?
04:50, 08/07/2021
NCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng
04:28, 08/07/2021
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương sẽ áp đảo Bitcoin?
05:30, 07/07/2021
Ngân hàng tiếp tục hưởng lợi từ chi phí vốn thấp
05:00, 05/07/2021
Ngã rẽ của các ngân hàng
04:50, 03/07/2021