Tín dụng - Ngân hàng

Khơi thông cho thuê tài chính

Hà Anh 05/07/2025 03:28

Nghị quyết 68/NQ-TW mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có việc tiếp cận hoạt động cho thuê tài chính.

sumi 2

Cho thuê tài chính là kênh tín dụng trung và dài hạn, đặc biệt phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)– khu vực chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng phần lớn còn khó tiếp cận vốn tín dụng.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn

Khác với các hình thức tín dụng truyền thống, cho thuê tài chính là một kênh vốn trung – dài hạn khá hiệu quả không yêu cầu tài sản thế chấp, cho phép khách hàng tiếp cận nguồn vốn tài trợ lên tới 100% giá trị tài sản đầu tư. Do đó, cho thuê tài chính rất phù hợp với đặc điểm DNNVV tại Việt Nam. Đây là nhóm doanh nghiệp thường thiếu tài sản thế chấp, năng lực tài chính còn hạn chế nên ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn ngân hàng, trong khi lại có nhu cầu đầu tư lớn cho thiết bị, công nghệ để đổi mới sản xuất.

Tuy nhiên, quy mô thị trường cho thuê tài chính hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Dư nợ toàn ngành đến cuối quý I/2025 chỉ đạt khoảng 40,7 nghìn tỷ đồng – một con số chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế. Nguyên nhân được Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam Phạm Xuân Hòe chỉ ra chủ yếu đến từ việc nợ xấu phát sinh, buộc các công ty phải trích lập dự phòng rủi ro, làm sụt giảm dư nợ.

Mặt khác, hiện Việt Nam mới có 10 công ty cho thuê tài chính, trong đó chỉ có 8 công ty đang hoạt động. Trong suốt gần 15 năm qua, chưa có công ty cho thuê tài chính nào được cấp phép mới. Việc thành lập công ty cho thuê tài chính hiện chịu sự quản lý chặt chẽ, với nhiều điều kiện khó tiếp cận, quy trình cấp phép chưa thật sự thông thoáng. Trong khi đó, khu vực DNNVV đang rất cần nguồn vốn linh hoạt để chuyển đổi sản xuất, đầu tư công nghệ.

“Chỉ khi số lượng doanh nghiệp cho thuê tài chính đủ lớn mới có thể mở rộng dư nợ cho thuê tài chính, đóng góp vào nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế”, ông Hòe nhấn mạnh.

Hoàn thiện chính sách

Ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính BIDV-SuMi TRUST (BSL) đánh giá, Nghị quyết 68-NQ/TW lần đầu tiên đề cập khả năng cho thuê tài sản phi vật lý, phản ánh tư duy quản lý tiến bộ, tiệm cận thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh, việc mở rộng danh mục tài sản cho thuê sang các tài sản phi truyền thống như: phần mềm, bản quyền, dữ liệu, thiết bị IoT… mở ra dư địa phát triển dài hạn cho ngành. “Đây là xu thế phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay”, ông Sơn khẳng định và đánh giá thị trường cho thuê tài chính đang đứng trước ba cơ hội tăng trưởng đáng chú ý.

Thứ nhất, chuyển đổi số và công nghiệp hóa khu vực DNNVV. Đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nhưng lại thiếu vốn đầu tư thiết bị, phần mềm và công nghệ nhằm mở rộng và hiện đại hóa sản xuất. Cho thuê tài chính, đặc biệt với hình thức thuê tài sản công nghệ không cần thế chấp, sẽ là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản vốn đầu tư ban đầu.

Thứ hai, xu hướng tài chính xanh và ESG mở ra dư địa phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Doanh nghiệp thực hành ESG bài bản sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi, từ đó giảm chi phí vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, làn sóng đầu tư công và nhu cầu thiết bị xây dựng, vận tải. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về máy móc thi công và phương tiện vận tải. Đây là phân khúc lý tưởng triển khai các hợp đồng cho thuê tài chính giá trị lớn và thời hạn dài.

Trước mắt, để thực thi hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-TW, Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần có quan điểm thông thoáng hơn trong cấp phép cho các công ty cho thuê tài chính mới, vì đây là tổ chức cho vay không nhận tiền gửi từ dân cư, giúp mở rộng kênh vốn cho DNNVV mà không cần tài sản thế chấp.

Tại nhiều quốc gia, số lượng công ty cho thuê tài chính lớn gấp 10 lần ngân hàng thương mại. Hiện nay, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại thì số công ty cho thuê tài chính cần đạt 370 - 400 đơn vị để mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho DNNVV, hộ kinh doanh. Song, điều quan trọng hơn, Hiệp hội đề xuất xây dựng Luật Cho thuê tài chính trong 3-5 năm tới. “Luật này sẽ mở rộng các loại tài sản được cho thuê, quy định hình thức huy động vốn, quản trị công ty, quản trị rủi ro (chấp nhận rủi ro cao hơn ngân hàng), cũng như các vấn đề về cấp phép và phá sản, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành phát triển”, ông Hòe nhấn mạnh.

Để tạo đà phát triển lĩnh vực này, ông Nguyễn Thiều Sơn đề xuất nên xem xét mở rộng phạm vi ưu đãi thuế nhập khẩu, không chỉ giới hạn trong các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư như hiện nay. Việc miễn thuế giá trị gia tăng với thiết bị nhập khẩu phục vụ mục đích cho thuê như một số quốc gia đã triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cần xem xét áp dụng tại Việt Nam, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp thuê, đặc biệt là DNNVV…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông cho thuê tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO