Lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan trực tiếp, trên 20 luật có liên quan gián tiếp. Tuy nhiên, những luật này lại thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn, tạo áp lực lên thị trường bất động sản.
>>> Bất động sản cần khai thác tối ưu "sân chơi" quốc tế
Mới đây, tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận định, bất động sản là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, vừa có hệ sinh thái riêng, vừa có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như: Thị trường tài chính, thị trường lao động...
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại”, ông Công nhận định.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm áp dụng đã cho thấy những bất cập khi chưa theo kịp hay chưa đủ chi phối những tình huống mới của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh quan hệ sở hữu đất đai, sử dụng đất đai, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện các luật có liên quan đến bất động sản lại mâu thuẫn, chồng chéo. Những mâu thuẫn, chồng chéo này đã gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, chỉ ra, thị trường bất động sản trầm lắng do nhiều nguyên nhân nhưng 70% trong số đó liên quan đến vướng mắc về pháp lý, cụ thể là sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
“Riêng trong lĩnh vực bất động sản có 12 luật tác động, nếu kể đến các luật có liên quan thì con số này tới 20 luật, vấn đề chồng chéo trong quản lý là không thể tránh khỏi. Đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị với Quốc hội tháo gỡ bất cập này”, ông Hiệp nói.
Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng cho hay, có 4 vấn đề lớn các dự án bất động sản đang gặp phải, bao gồm: Giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thủ tục hành chính quá phức tạp. Tháo gỡ được các vướng mắc này mới có thể giúp các dự án thuận lợi triển khai thực hiện.
Nhận định về thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý 2, quý 3 sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp. Đây là nỗ lực chưa từng có, tuy nhiên kết quả chưa cao.
“Chúng ta chưa vào “tâm bão”, chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào nhà ở giá rẻ được “tự do”. Cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết thêm, giải pháp căn cơ nhất vẫn là Bộ Tài chính, chính sách tài khoá được điều tiết giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Cần có quỹ bảo lãnh để bảo đảm an toàn cho các ngân hàng. “Chưa bao giờ Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích cho thị trường bất động sản như hiện nay nhưng vẫn cần làm cho doanh nghiệp cảm thấy yên tâm khi thực hiện chính sách mới”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.
Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trong thời gian tới, các Bộ, ban ngành và địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Để môi giới bất động sản thoát danh "cò đất"
03:30, 02/10/2023
Lộ diện phân khúc bất động sản được giới đầu tư quan tâm
13:10, 01/10/2023
Doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam: "Cứu chúng tôi trước khi quá muộn"
11:02, 01/10/2023
Bất động sản cần khai thác tối ưu "sân chơi" quốc tế
05:00, 01/10/2023