Những năm gần đây trên mảnh đất nắng và gió Lào Quảng Trị đã nảy nở ra một lĩnh vực kinh tế có thể biến bất lợi thành lợi thế.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lập Hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành phần 2 Cảng hàng không Quảng Trị
Địa lý Quảng Trị chia thành ba phần, phía Tây đất đỏ bazan màu mỡ, phía Đông là vùng cát trắng mênh mông bạc màu, xen giữa đồng bằng nhỏ hẹp. Như đặc ân của thiên nhiên - cây tràm lai (keo tai tượng) có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên 3 vùng thổ nhưỡng.
Phong trào trồng rừng, tận dụng đất hoang hóa cho đến quy hoạch bài bản ở địa phương vì thế rất đa dạng và phong phú. Trong đó rừng đạt Tiêu chuẩn quản lý bền vững - FSC (Forest Stewardship Council) khoảng 23.000 hecta, chiếm 12% tổng diện tích rừng loại này của cả nước.
Rừng FSC có chu kỳ khai thác bình quân khoảng 10 năm, mỗi ha cho năng suất từ 170-200 tấn gỗ; trong đó, 70% cây gỗ có đường kính hơn 12 cm đủ tiêu chuẩn để chế biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn gỗ, sau khi trừ hết mọi chi phí, mỗi ha rừng FSC cho thu lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp hơn hai lần so với trồng rừng thông thường.
Khởi nghiệp trồng rừng từ những năm 1998, gia đình ông Trịnh Mùi ở Trung Sơn - Gio Linh (Quảng Trị) nhiều năm nay nhờ thu nhập từ 2,4 hecta rừng trồng cây keo để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học thành đạt.
Theo ông Mùi, rừng đóng vai trò là tài sản dự phòng của gia đình, mỗi năm lãi trung bình vài chục triệu đồng, nếu để càng lâu, gỗ càng lớn giá trị kinh tế càng cao. Thị trường cây keo bây giờ rất rộng mở, có bao nhiêu cũng bán được, thậm chí thương lái đặt hàng trước.
Ông Lê Biên Hòa là một trong những nông dân điển hình về trồng rừng thương phẩm theo tiêu chuẩn FSC ở Quảng Trị, sở hữu 26 hecta khai thác đều đặn. Dày dặn kinh nghiệm với nghề trồng rừng, ông Hòa đúc rút, tràm là loại gỗ dễ bán nhất, không bị xuống giá, hầu như không có phụ phẩm dư thừa, cây gỗ bán cho đối tác chính, cành phụ, lá tiêu thụ tại địa phương cho các nhà máy gỗ công nghiệp.
Nhà nông muốn vươn xa cần có nhà doanh nghiệp đồng hành, Quảng Trị hiện có 32 nhà máy băm dăm gỗ đang hoạt động. Điển hình là Công ty Cổ phần gỗ MDF Quảng Trị. Doanh nghiệp này là một hệ sinh thái từ thu mua gỗ nguyên liệu đến chế biến gỗ thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
MDF Quảng Trị là đầu ra bao tiêu dường như vô hạn cho người trồng rừng. Thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện đầu tư bài bản, dài hạn, đáp ứng tiêu chuẩn FSC. Vì vậy sự có mặt của nhà tiêu thụ MDF đảm bảo cân bằng thị trường cung cầu.
Tuy vậy, doanh nghiệp trong lĩnh vực dăm gỗ đang gặp khó khăn về hành lang pháp lý. Theo Luật Đầu tư năm 2020 thì lĩnh vực chế biến dăm gỗ không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ không quy định danh mục cấm đầu tư kinh doanh.
Tại Văn bản số 6310/UBND-NN ngày 24/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện không cấp phép đầu tư mới đối với cơ sở sản xuất dăm gỗ, tập trung phát triển các cơ sở đã được cấp phép…”. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn: Quy định này liệu có đi ngược với Luật Đầu tư hay không?
Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có chức năng “kiến tạo môi trường đầu tư”, để mọi doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển bình đẳng, dĩ nhiên không dung túng cho sai phạm. Thêm nữa, liệu cơ quan hữu quan đã có nghiên cứu định lượng tiềm năng rừng trồng để khống chế số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này?
Cứ một doanh nghiệp ra đời lại gia tăng tính cạnh tranh buộc đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn để tồn tại; có lợi cho người trồng rừng; đem lại nguồn thu cho ngân sách. Tư duy “cấm” là không phù hợp khi nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có độ “mở” rất lớn.
Hơn nữa, sự ra đời, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp luôn đi kèm với nhu cầu khách quan, có cầu ắt hẳn có cung. Nói cách khác, đó là công việc của người nông dân và doanh nghiệp, hợp quy luật. Nhà nước chỉ nên định hướng vĩ mô, làm sao tạo ra môi trường kinh tế thông thoáng nhất có thể!
Có thể bạn quan tâm