Nhiều thế hệ ở Việt Nam đã được hưởng nền độc lập toàn vẹn, hoặc chí ít cũng không phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ.
Có rất nhiều lý do để một dân tộc nhỏ bé vùng lên dữ dội chống lại các thế lực hung bạo nhất hành tinh, nhưng cuối cùng đều tìm kiếm kết quả cho câu hỏi: Làm sao để có “độc lập, tự do và hạnh phúc”?
Cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 ở Việt Nam, dẫn đến sự kiện sáng ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử - Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng không ngoài mục đích ấy.
Giống như tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của cách mạng Pháp; tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Đó là giá trị phổ quát mà mọi công dân trên trái đất này đều có quyền hưởng thụ như nhau. Nhưng nếu mất nước, bị xâm lăng, đô hộ thì các quyền thiêng liêng ấy có còn hay không?
Nhiều thế hệ ở Việt Nam đã được hưởng nền độc lập toàn vẹn, hoặc chí ít cũng không phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ. Nhưng nếu muốn biết chiến tranh, mất nước, mất độc lập là như thế nào thì hãy nhìn về Trung Đông.
Đó là những Iraq, Iran, Afghanistan, Sirya, Libya,…từ yên bình trù phú, nét bí ẩn đầy quyến rũ của xứ sở nghìn lẻ một đêm đã tan hoang vì bom đạn, vì các mưu toan chính trị, kinh tế trên sinh mạng dân thường vô tội.
Nhiều quốc gia tại Trung Đông rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, hàng triệu người tháo chạy khỏi quê hương tìm bến đỗ an toàn hơn, sự việc này đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn trầm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở những quốc gia này coi như tiêu tan, vì họ không thể tự quyết được vệnh mệnh của dân tộc mình, họ không có độc lập dẫn đến mất tự do, sinh mạng của họ bị quyết định bởi thế lực bên ngoài.
Một trong những quái thai sinh ra ở Trung Đông chính là chủ nghĩa khủng bố dựa trên niềm tin thánh chiến, xung đột sắc tộc đã được khai thác triệt để hòng thao túng kinh tế và chính trị. Đó cũng là hệ quả của việc không có độc lập.
Để mất độc lập phải đổ máu và để có độc lập - một lần nữa phải đổ máu để giành lại, cái giá của độc lập không hề rẻ, nó có thể đánh đổi nhiều thế hệ, hy sinh bước tiến lên của một dân tộc. Nhưng không thể không có độc lập.
Nếu nói lịch sử dân tộc ta 4.000 năm thì hơn 1/4 khoảng thời gian ấy chúng ta không có độc lập tự do. Mất nước rồi lại độc lập; độc lập rồi lại mất nước,… vòng quay này như vô cùng vô tận. Qua một vòng khâu như vậy, bài học kinh nghiệm giữ nước càng dày thêm.
Vì vậy, từ buổi sớm Ba Đình nắng ấm đến nay chỉ mới 75 năm, khoảng thời gian này so với hàng nghìn năm trường tồn giống như một khoảnh khắc, hưởng hòa bình thịnh trị nhưng cũng đừng quên tai họa có thể ập đến bất cứ khi nào.
Chặt hết trúc Nam Sơn cũng không thể ghi chép hết có bao nhiêu thế hệ người Việt đã nằm xuống để có độc lập tự do như hôm nay; nước Đông Hải cũng không thể cuốn trôi được tâm thức “sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập” của người Việt Nam.
Lịch sử cho thấy độc lập không bao giờ là vĩnh hằng, với dân tộc ta - nó như khoảng thời gian ngơi nghỉ quý giá để sắp sửa bước vào “cuộc chiến” mới. Đây không khác gì một quy luật tồn tại của tạo hóa. Nếu hết đấu tranh, ngừng bảo vệ cảnh giác thì độc lập cũng có thể tuột khỏi tay bất cứ lúc nào.
Khi nhân loại tiến bộ đặt ra kỷ cương luật pháp quốc tế để ngăn ngừa chiến tranh, phòng bị tình trạng “nước lớn ức hiếp nước nhỏ” thì các thế lực cũng tìm đủ mọi cách tấn công đối phương.
Nguy cơ bị thao túng kinh tế, bẫy nợ, trục liên minh cực đoan luôn luôn hiện hữu; cương vực, lãnh hải của Tổ quốc đang bị đe dọa. Kẻ thù dấu súng đạn nhưng bày ra chiêu trò mới, đánh vào tư tưởng, văn hóa, không ồ ạt nhưng mưa dầm thấm lâu.
Vui thái bình nhưng đừng xem thường tương lai. Vì độc lập không bao giờ là miễn phí, tài sản vô giá này không ai giữ thay mình được!
Có thể bạn quan tâm
06:15, 02/09/2020
05:30, 02/09/2020
05:00, 02/09/2020
05:00, 19/08/2020
05:12, 02/09/2017