Doanh nghiệp hoạt động ngoài vòng kiểm soát vì chưa có quy hoạch bến bãi, chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết với nội dung, không có quy hoạch bến bãi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hải Phòng buộc phải vi phạm pháp luật.
Để giải quyết tình trạng hoạt động trái phép, nhiều vi phạm kéo dài nhưng chưa có biện pháp thống nhất xử lý triệt để, Sở Xây dựng Hải Phòng đã trình thành phố phê duyệt Đồ án quy hoạch bến, bãi tập kết khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời có công văn gửi UBND các quận, huyện đề nghị rà soát, bổ sung vào đề xuất quy hoạch bến bãi tại mỗi địa phương. Tuy nhiên kể từ năm 2018 đến nay quy hoạch bến bãi vẫn chưa được công bố gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Thành – Công ty TNHH Đầu tư Sông He cho biết, ông có nhận chuyển nhượng gần 22.000m2 thuộc đất bãi bồi ven sông thuộc phường Hải Thành từ hơn 10 năm trước để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, mặc dù có đầy đủ thủ tục (Hợp đồng giao đất, trích đo, chính quyền xã đồng ý cho chuyển đổi mục đích,…), doanh nghiệp cũng đã đầu tư tiền tỷ vào đó nhưng giờ muốn hoạt động kinh doanh cũng không được. Động vào đâu cũng vướng, không đơn vị nào cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động vì vướng quy hoạch.
Trao đổi với DĐDN, ông Vũ Kim Quang – Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn phường có 1 trường hợp xây dựng lán tôn ngoài đê là của gia đình bà Đào để phục vụ người dân tập kết, phân loại, mua bán con don, con dắt sau khi đánh bắt xong. Trước đó, gia đình bà được huyện Kiến Thuỵ cho thuê đất 25 năm. Nhưng sau khi Tân Thành sáp nhập vào quận Dương Kinh, hết hạn thuê đất người dân có nhu cầu tiếp tục ký hợp đồng để hoạt động sản xuất nhưng huyện không ký, quận không ký. Mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng không đơn vị nào đồng ý cấp phép cho họ. Vì vậy, hơn chục năm nay họ vẫn phải hoạt động không phép, không giấy tờ(!?).
"Hiện chúng tôi chỉ cố quản lý để không xảy ra phát sinh mới. Nếu không có chỗ tập kết người dân sẽ rất vất vả. Nếu họ tập kết chỗ khác thì cũng sẽ vi phạm. Thà để lại vi phạm cũ còn đỡ tội" – ông Quang chia sẻ, đồng thời đề nghị, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hải Phòng nên xem xét thu hồi lại những diện tích như gia đình bà Đào và cấp phép tạm cho người dân. Thực trạng bãi bồi ven biển đã có, cấp phép cho cho doanh nghiệp hoạt động tránh trường hợp ngoài vòng kiểm soát sẽ khiến doanh nghiệp yên tâm kinh doanh sản xuất mà chính quyền cũng dễ quản lý, tránh thất thu thuế.
Ông Quang cũng đề xuất, TP Hải Phòng cần đẩy nhanh quy hoạch bến bãi tập kết vật liệu xây dựng để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Cũng không khá hơn phường Tân Thành là mấy, lãnh đạo phường Hải Thành cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố địa phương phải quản lý mặt bằng không để phát sinh mới nên cán bộ phường suốt ngày phải đi “canh”.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết, bến bãi trên địa bàn phường được hình thành từ những năm 80 (từ thời huyện Kiến Thuỵ). Từ năm 1979-1980, huyện Kiến Thuỵ cho phép HTX Hải Hoà quai đê, lấn biển, nuôi trồng thuỷ sản. Khi HTX giải thể, các thành viên của HTX được chia dựa vào sự đóng góp. Sau đó là mua đi, bán lại, chuyển nhượng cho nhau, san lấp để tập kết vật liệu xây dựng tạo lên gần 20 bến bãi lớn nhỏ.
"Nói chung, các doanh nghiệp rất là kêu, đặc biệt là một số doanh nghiệp có điều kiện muốn đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng không làm được, hoặc không dám làm vì không biết bị "bốc" đi lúc nào. Đơn cử như Công ty TNHH vận tải Hoàng Trường từ năm 2003 đến năm 2017 đã nhiều lần đề xuất với thành phố, các ban ngành về việc cấp phép nhưng đều không thực hiện được.
Sau khi thành phố có chỉ đạo các quận, huyện rà soát, bổ sung vào đề xuất quy hoạch bến bãi tại mỗi địa phương, phường Hải Thành đã báo cáo đề xuất 3 điểm để làm bãi tập kết cho các doanh nghiệp hoạt động, đó là: điểm ở khu vực Thuỷ Giang, điểm cống C2; điểm cống C1 nhưng cho đến giờ vẫn chưa ra được kết luận. Có những doanh nghiệp dám bỏ tiền ra để thực hiện quy hoạch nhưng không làm được" – ông Hưng cho biết thêm.
Ông Hưng có chia sẻ, năm 2015-2016, quận Dương Kinh có giao cho phòng Tài chính, phòng TNMT quận thống nhất thu tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp. Phòng TNMT đã tham mưu, có những hộ phải nộp tới tiền tỷ/năm tiền sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề, tại sao quận cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất nhưng không thực hiện trách nhiệm của nhà nước. Đó là phải bảo hộ cho việc đầu tư của doanh nghiệp, đó là tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Tiền sử dụng đất thì thu của doanh nghiệp nhưng quyền lợi đi đôi với trách nhiệm thì lại hạn chế, đặc biệt là thủ tục khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
"Ví dụ doanh nghiệp muốn sửa chữa cũng phải xin giấy phép, mà muốn xin giấy phép xây dựng thì phải cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cứ lặp đi lặp lại như vậy rất khó cho doanh nghiệp mà khó luôn cho quản lý của địa phương. Vì vậy, quận, thành phố nên có cơ chế cho các doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp kinh doanh được thì mới có thuế đóng cho nhà nước, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ" – ông Hưng đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp phạm luật vì không có quy hoạch bến bãi
04:20, 05/08/2021
Bến bãi không phép vẫn hoạt động ở Hải Dương: Ai chịu trách nhiệm?
04:20, 09/07/2021
Quảng Ninh: Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng khổ vì thiếu bến bãi
05:50, 26/03/2020
An Lạc, Hải Dương: Nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép
04:30, 13/05/2019