Không khí hàng ngày ở TP. HCM bị ô nhiễm. Cuối tháng 9 vừa qua lại có thêm hiện tượng "mù quang hóa" khiến bầu trời thành phố thêm mù mịt, rất hại cho sức khỏe.
Cuối tháng trước, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18/9/2019 đến 25/0/2019, người dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận bầu trời thành phố rất mờ, tầm nhìn bị hạn chế. Trên các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều thông tin về ô nhiễm không khí trong đô thị. Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí được quan tâm tải về và thị trường khẩu trang bỗng trở nên sôi động chưa từng có.
Chiều 9/10/2019, tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã tổ chức buổi họp báo “Diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” để thông tin về hiện tượng khí tượng "mù quang hóa" và tình hình chất lượng môi trường không khí tại TP. HCM 9 tháng vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
21:34, 08/10/2019
05:19, 04/10/2019
19:10, 02/10/2019
16:01, 02/10/2019
05:35, 02/10/2019
05:05, 02/10/2019
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường 9 tháng đầu năm 2019, ô nhiễm không khí tại TP. HCM đang có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn của các hoạt động giao thông gây ra. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Cuối tháng 9 vừa rồi, những bụi lơ lửng này lại gặp hiện tượng "mù quang hóa" nên càng gây ra ô nhiễm không khí nặng.
"Mù quang hóa" là một hiện tượng khí tượng tự nhiên, xảy ra theo chu kỳ hàng năm, thường diễn ra vào lúc giao mùa, từ thu sang đông, tức là khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 mỗi năm, đôi khi xảy ra vào tháng 1.
Khoảng thời gian này, khi dãy hội tụ nhiệt đới gặp không khí lạnh khuyếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TP. HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng. Không khí có độ ẩm cao, cộng thêm các hạt bụi lơ lửng ô nhiễm làm hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Vào những ngày mù quang hóa, không khí bị ngưng đọng, khiến cho những hạt bụi ô nhiễm bị tập trung, không phân tán được, gây hại cho sức khỏe người dân. Kết quả quan trắc những ngày mù quang hóa tháng 9 vừa rồi cho thấy, bụi lơ lửng tăng cao tới 2,19 lần, bụi mịn PM2.5 tăng đến 2,2 lần. Trong ngày 20/9, thông số bụi lơ lửng, bụi mịn PM2.5 (đặc biệt nguy hiểm) có tỷ lệ vượt chuẩn đến 50%.
Vào những ngày mù quang hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường, cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt để tránh tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm, đồng thời thường xuyên nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý và làm thoáng môi trường sống.
"Chúng tôi vẫn còn nhiều hạn chế vì các phương pháp quan trắc vẫn còn nhiều khâu thủ công, gián đoạn, dẫn tới độ trễ về thông tin tới người dân" - Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP. HCM nhìn nhận tại buổi họp báo.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khi lên các bảng điện tử và phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường để phụ vụ đời sống người dân.