Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới - giải pháp nào?

LAM SONG 05/03/2024 09:02

Sáng nay (5/3), chỉ số về ô nhiễm (AQI) ở Hà Nội tăng so với hôm qua, tiếp tục đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

>>Ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng, Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng”

Lúc 7h sáng nay (5/3), theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí), chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội tại các địa điểm trung bình từ 152 đến 260.

Cụ thể, tại khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm), chỉ số AQI 405, mức nguy hiểm cho sức khỏe. Tại khu vực nội thành Hà Nội nhiều điểm ghi nhận AQI trên 200. Đây được đánh giá là mức độ không khí rất không lành mạnh.

Sương mù và bụi mịn dày bao phủ nhiều khu vực tại Hà Nội. Ảnh: Lam Song

Sương mù và bụi mịn dày bao phủ nhiều khu vực tại Hà Nội. Ảnh: Lam Song

Với các chỉ số này, Hà Nội được xếp là thành phố ô nhiễm không khí cao nhất thế giới - AQI 239. Các chất ô nhiễm không khí được đo bằng AQI gồm: Bụi mịn PM2.5; PM10; Carbon monoxide; Lưu huỳnh dioxide; nito đioxit và Tầng ôzôn.

Trước đó, trưa hôm qua (4/3), ghi nhận chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội trên trang IQAir là 178 - mức ô nhiễm đứng thứ 2 thế giới. Theo phân tích, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ hiện là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Trước tình trạng ô nhiễm kể trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân nên thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp, chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh tập thể ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, chạy máy lọc không khí.

Trong trường hợp phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động có cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Trong hợp hợp phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, khu vực bị ô nhiễm không khí.  Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. 

>>Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần chiến lược dài hơi!

Trước đó, đã có nhiều giải pháp từ cấp bách đến dài hạn đưa ra để giảm tác động từ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. “Để giảm ô nhiễm môi trường không khí, theo tôi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt. Cùng với đó là xử lý nghiêm trường hợp đốt chất thải không đúng quy định; xây dựng phương án đề xuất loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật...” - ông Mai Trọng Thái - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp theo dõi chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong xây dựng; rà soát, đầu tư để tăng diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, quận sẽ tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí...

Liên quan đến về vấn đề này, chuyên gia tư vấn môi trường Đào Nhật Đình, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài từ năm 1998 đến nay. Dù chính quyền Hà Nội đã dời các nhà máy như điện Yên Phụ, thuốc lá Thăng Long, cao su Sao Vàng ra khỏi nội ô, đồng thời chuyển tiêu chuẩn khí thải ôtô từ Euro 0 lên Euro 4, xăng đang chuyển từ dùng xăng có chì sang dùng xăng không chì, đường phố đã sạch hơn..., tóm lại Hà Nội đã làm được nhiều việc để cải thiện môi trường nhưng ô nhiễm không khí không giảm.

Theo ông Hoài, nếu chúng ta giảm khí thải xe cộ một nửa như Hà Nội giữa mùa COVID-19 thì mức độ ô nhiễm chưa giảm, lượng bụi PM 2.5 không giảm, phải giảm về 0 mới giảm được bụi PM 2.5. Thêm vào đó, nhiều địa phương đã nỗ lực đưa công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy ximăng quanh Hà Nội nhưng các cụm công nghiệp làng nghề như làm giấy tại Bắc Ninh thì mức độ phát thải gây ô nhiễm vẫn như 20 năm trước và vẫn có tác động xấu đến Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm

  • Ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng, Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng”

    09:03, 10/06/2021

  • Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Đi tìm giải pháp!

    09:00, 28/03/2021

  • Báo động ô nhiễm không khí tại đô thị (Kỳ 1): “Sát thủ” thầm lặng

    11:00, 15/02/2021

  • Phương tiện cũ nát và vấn đề ô nhiễm không khí

    11:00, 05/01/2021

  • Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần chiến lược dài hơi!

    05:00, 11/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới - giải pháp nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO