Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển, không kỳ thị, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển có thể xem là những ưu tiên hàng đầu.
Theo Phó Thủ tướng, cả nước có trên 730 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Tỷ lệ doanh nghiệp thấp trong khu vực
“Đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” - Phó Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp (Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp).
Có thể bạn quan tâm
11:19, 06/06/2019
17:42, 20/05/2019
05:00, 18/05/2019
05:00, 17/05/2019
Nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt hiện nay, như Phó Thủ tướng nói, vẫn còn thiếu và yếu, so với tỉ lệ đầu người trên doanh nghiệp trong khu vực chỉ bằng 1/10. Do vậy, việc đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển, không kỳ thị, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển có thể xem là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay.
Nhắc lại thông điệp: “Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...
Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
“Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Giảm điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp phát triển
Trên thực tế, mặc dù Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nỗ lực đưa ra nhiều hành động cụ thể như Phó Thủ tương đã trình bày. Song, thực tế ở nhiều nơi, nhiều Bộ, ngành vẫn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Hiện tượng điều kiện kinh doanh “hóa thân” vào các quy chuẩn kỹ thuật và khổ nạn cấp phép, xin cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thủ tục và chi phí cho kiểm tra chuyên ngành cho xuất nhập khẩu mà người ta thường gọi nôm na là “thủ tục chào hỏi qua biên giới”, “các thủ tục ở tuyến đầu của hội nhập”... ở nước ta vẫn gấp 2-3 lần so với các nước ASEAN.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trong một hội thảo gần đây đã đề nghị tạo bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con. Thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chính phủ giao cho VCCI chủ trì cùng với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ ngành.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đồng tình quan điểm của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Tuy nhiên, theo ông, một phần tỉ lệ doanh nghiệp Việt còn ít so với khu vực là do nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn “ngại” lên thành doanh nghiệp.
“Đơn giản là khi phát triển thành doanh nghiệp rồi, bao nhiêu thứ “đè lên vai”, từ thuế má, vốn liếng, thủ tục hành chính… Những vấn đề này “bó” lại khiến họ không muốn chuyển đổi - ông Dương nhìn nhận.
Nhưng, ngay cả khi đã là doanh nghiệp rồi, vẫn vướng, nhất là ở các địa phương. Thậm chí có những quy định ở địa phương còn cao hơn cả Luật. Ví dụ quy định nước thải công nghiệp trong lĩnh vực dệt may, quy định phải có đặt cột B. Riêng Hưng Yên phải cột A, thậm chí là A cộng. “Mỗi tỉnh lại có một luật riêng như thế doanh nghiệp sẽ rất mệt. Họ rất cần sự minh bạch, định hướng cơ chế thị trường” - ông Dương chia sẻ.
Những vấn đề còn tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp, theo như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thời gian tới sẽ được Chính phủ quyết liệt giải quyết. Cụ thể, Chính phủ cũng sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; Thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, đạo đức kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đã dùng mọi biện pháp Với tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp, khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp, đang thể hiện đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng ta mới đang đặt mục tiêu phát triển hơn nữa số lượng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời cải cách hình thức thành lập doanh nghiệp, kế toán đối với các DNNVV nhằm tạo ra sự thông thoáng trong các hoạt động. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện kiểm tra hậu kiểm đối với các DNNVV được thuận lợi nhất cho mọi người tham gia vào thị trường. Chúng ta đã phát hiện ra điểm này và đã cho ra đời luật hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ về thuế… Như vậy, trong phạm vi WTO cho phép, chúng ta đã làm hết trách nhiệm của nhà nước. Vấn đề bây giờ là nhà nước thuyết phục, người dân tin tưởng và cùng nhau thực hiện. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐB tỉnh Đồng Tháp): Chờ đợi việc thực hiện cam kết của các tư lệnh ngành Qua hai ngày rưỡi chất vấn 4 Bộ trưởng cùng các thành viên Chính phủ, tôi cơ bản hài lòng với nội dung trả lời của các Bộ trưởng. Tuy nhiên, phần trả lời của các Bộ trưởng đối với một số ý kiến của những đại biểu khác đôi khi còn chưa đúng trọng tâm. Các thành viên Chính phủ đề ra các giải pháp như vậy, đại biểu và cử tri hài lòng nhưng làm có đúng như vậy không, thực thi nhiệm vụ có đúng như vậy không là vô cùng quan trọng, đòi hòi tâm huyết, trách nhiệm, cái tâm, cái tầm của cán bộ thực thi nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Hoạt động chất vấn chủ yếu là kiểm tra năng lực của các tư lệnh ngành trong nắm bắt, quản lý lĩnh vực được phân công và đưa ra các giải pháp để xử lý, giải quyết những vấn đề nóng mà đại biểu nêu. Nhưng việc thực hiện các cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo ra chuyển biến đúng như cam kết của các Bộ trưởng, đó mới là việc đại biểu, cử tri quan tâm, mong đợi. Nguyễn Việt ghi |