Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển đa dạng các sản phẩm từ cây mía thông qua việc xác định sản phẩm hàng hoá theo cơ chế thị trường sẽ là lối ra cho ngành mía đường trong tái cơ cấu ngành.
Đó là nhận định của TS Phạm Quốc Doanh- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) với DĐDN về đề án tái cơ cấu ngành mía đường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
- Được biết, phương án tái cơ cấu lần này chấp nhận cả việc đóng cửa nhiều nhà máy?
Đúng vậy. Đề án tái cơ cấu đang được xây dựng xác định phải áp dụng các giải pháp đồng bộ để giảm giá mía nguyên liệu không xuống dưới 600.000 đồng/tấn, bởi 80% giá đường phụ thuộc vào mía, giá mía xuống thì đường mới xuống dưới 11.000 đồng/kg mới cạnh tranh được. Phương án tái cơ cấu lần này chấp nhận cả đóng cửa những nhà máy không đảm bảo được mục tiêu này.
Kinh nghiệm tại các quốc gia có ngành mía đường phát triển hiện nay như Brazil, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Mexico... đều cho thấy, để tồn tại và phát triển bền vững, ngành mía đường phải chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là cân đối nhịp nhàng giữa việc sản xuất đường và các sản phẩm từ cây mía.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hướng phát triển các các sản phẩm từ cây mía (bên cạnh đường), thưa ông?
Chúng ta phải nghĩ tới cồn etanol. Đây là sản phẩm nhiều tiềm năng khi Việt Nam đã có chính sách đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng đại trà. Cơ chế bình thông nhau giữa sản xuất đường và cồn etanol này giúp các doanh nghiệp mía đường chủ động được việc lựa chọn giữa sản xuất cồn hay đường tùy vào giá cả của hai mặt hàng này trên thị trường.
Trước kia Việt Nam chưa có thị trường etanol nhưng từ 1/1/2018 thị trường đã rộng mở. Hiện đã có một doanh nghiệp đang khảo sát tại Brazil để đầu tư vào cồn etanol. Để thu hút hơn nữa, doanh nghiệp cần chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất từ mía đường sang etanol thông qua đảm bảo giá xăng E5 theo cơ chế thị trường. Đồng thời là những ưu đãi bình đẳng như nhà đầu tư đầu tư nhà máy sinh học etanol mà Chính phủ đã làm như vay tín dụng đầu tư phát triển, ưu đãi thuế thời kỳ đầu…
Cùng với đó là chuyển bã mía sang làm điện, vừa cung cấp nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất của nhà máy, vừa cung cấp cho lưới điện quốc gia. Nhưng để khuyến khích được doanh nghiệp chuyển đổi sang sản phẩm này, cần xoá bỏ sự phân biệt “con đẻ-con nuôi” trong giá điện. Hiện, điện sinh khối không phải từ bã mía được coi là “con đẻ” giá 7,8 cent/KWh, trong khi đó điện sinh khối từ bã mía lại được cho là điện đồng phát, là “con nuôi” và chỉ được tính giá 5,8 cent/KWh.
- Với phương án tái cơ cấu có vẻ khả thi như vậy, tại sao VSSA còn kiến nghị lùi thời hạn áp dụng Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và mới đây là kiến nghị áp dụng biện pháp đánh thuế tự vệ với đường lỏng. Phải chăng ngành mía đường vẫn cần “bảo hộ”?
Trong kiến nghị áp thuế đường lỏng, phải thẳng thắn rằng ngành mía đường không xin hỗ trợ mà chỉ cần cơ chế để cạnh tranh. Bởi, trong khi đường sản xuất từ mía và củ cải theo WTO đang phải chịu mức thuế suất vô cùng cao (40 - 45% trong hạn ngạch và 80 - 85% ngoài hạn ngạch) thì mỗi năm hàng trăm ngàn tấn đường lỏng vẫn nhập vào Việt Nam với thuế suất 0%.
Về ATIGA, Thủ tướng hiện đã có chủ trương đồng ý cho ngành mía đường giãn thời gian áp dụng hiệp định ATIGA thêm 2 năm. Đây là cơ hội kéo dài cho 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động thích ứng chuẩn bị cho hội nhập chứ không riêng các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành vẫn xác định, để tồn tại và phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là tái cơ cấu triệt để từ khâu giống, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
- Xin cảm ơn ông!