Không thể tạm thời hủy bỏ thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu

ĐỖ HUYỀN 06/03/2021 04:00

Bộ Công Thương khẳng định pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Thời gian gần đây, báo chí có đăng tải về tình trạng giá phân bón tăng nhanh sau Tết Nguyên đán. Trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón DAP nhập khẩu. Ví dụ trong 4 tháng qua, giá DAP của Hàn Quốc tăng từ 12,8 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng 21%), DAP Trung Quốc tăng từ 10,4 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng tới 49%).

Việt Nam đang áp thuế tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu. (Ảnh: Moit)

Việt Nam đang áp thuế tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu. 

Đáng chú ý, không chỉ tăng giá, nhiều loại DAP của Hàn Quốc hay Trung Quốc còn rơi vào tình trạng khan hiếm. Một doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ Công Thương bày tỏ rằng trong 3 năm qua, quyết định áp biện pháp tự vệ chính thức với phân bón DAP và MAP nhập khẩu của Bộ Công Thương đã ít nhiều phát huy tác dụng bảo trợ sản xuất trong nước.

Nhưng nay để có đủ nguồn DAP phục vụ vụ xuân hè đang tới gần, doanh nghiệp này cho rằng Bộ Công Thương nên hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu để các giao dịch nhập khẩu có thể trở lại bình thường.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhập khẩu đang được áp dụng ở mức thấp hơn, với thời gian áp dụng ngắn hơn so với quy định của WTO và được giảm dần theo lộ trình.

"Điều này cho thấy Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã cân nhắc kỹ thực trạng của thị trường phân bón trong nước, tác động của biện pháp tự vệ tới các bên sử dụng và tác động đến chi phí trồng lúa", Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Theo Bộ, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.

Việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần một mặt tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển nhưng cùng với đó cũng hướng tới việc duy trì môi trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón.

Theo Bộ Công Thương, với một nước nông nghiệp như nước ta, việc tránh phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu là một vấn đề quan trọng. Trước năm 2009, khi ngành sản xuất trong nước chưa hình thành, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000đ/kg năm 2008), gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân.

Thực tế cho thấy, với nhiều ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo... khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada… đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất này.

Bộ Công Thương cho biết Bộ vẫn đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình biến động giá cả trên thị trường phân bón DAP, MAP; giá thế giới của các nguyên liệu đầu vào và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Bộ cũng đã tổ chức họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để đánh giá tình hình và nhận thấy biến động giá DAP trong thời gian gần đây chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển... Nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước đây.

Do các yếu tố bên ngoài như đã nói, không chỉ giá DAP nhập khẩu tăng mà giá một số mặt hàng phân bón nhập khẩu khác, dù không bị áp thuế tự vệ, cũng tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó, giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP.

"Các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ, là các biện pháp có tính chất dài hạn nhằm đem lại một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc áp dụng biện pháp phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 3/2020, Bộ Công Thương ban hành quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP.

Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh.

Tuy vậy, gần đây có một số doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu phân bón về Việt Nam năm 2020 tăng 0,11% về lượng nhưng giảm gần 9,2% về kim ngạch so với năm 2019, đạt 3,8 triệu tấn, trị giá hơn 951,5 triệu USD.

Giá trung bình năm 2020 đạt 250,18 USD/tấn, giảm gần 9,3% so với giá trung bình của năm 2019 (275,76 USD/tấn).

Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 41,74% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước và chiếm 38,73% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 368,53 triệu USD trong cả năm 2020, tăng gần 4% về lượng và giảm 3,3% về trị giá so với năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không thể tạm thời hủy bỏ thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO