Được xem như một phần “phên dậu” của đất nước nhưng các Khu kinh tế (KKT) khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ ở miền Trung vẫn chưa phát triển xứng tầm.
Bởi suốt thời gian dài, khi chính sách bị thay đổi đột ngột, các KKT ở khu vực này rơi vào cảnh “trùm mền” nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nhà đầu tư bỏ dở công trình, dự án tiền tỷ ra đi chưa biết bao giờ khởi động lại được.
Một thời…vang bóng
Bây giờ, khi nhắc lại thời “hoàng kim” với cảnh tấp nập, nhộn kịp hàng hoá xuôi ngược thông quan vào khoảng hơn 10 năm trước, ai cũng tiếc nuối về kỳ vọng phát triển kinh tế, giao thương sẽ tạo sức bật cho các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… sẽ đổi thay. Nhưng, viễn cảnh về khu vực được xem như điểm nhấn của hành lang kinh tế Đông – Tây kéo qua 4 nước Việt Nam – Lào – Cam Pu Chia – Thái Lan đã không còn được duy trì như mong đợi.
Được thành lập từ năm 1998, với tên gọi “Khu vực Khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Lao Bảo” chỉ sau thời gian ngắn (từ năm 2005-2010), Nhà nước đã phân bổ nguồn ngân sách lên tới 863 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.663 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Cũng trong giai đoạn này, KKT cửa khẩu Lao Bảo nhanh chóng bắt nhịp, vào guồng phát triển vì được áp dụng chính sách ưu đãi đặc thù và trở thành một KKT - thương mại đặc biệt của Việt Nam để thúc đẩy giao thương với các nước trong khu vực có vành đai biên giới với nước ta. Chỉ trong 2 năm (2008-2010) KKT cửa khẩu Lao Bảo đã thu hút được 67 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng cùng hàng nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động mua bán – trao đổi hàng hoá qua lại ở khu vực Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.
Thực trạng đìu hiu, hoang vắng, dang dở ở các KKT cửa khẩu còn lại ở khu vực miền Trung đều có mẫu số chung như nhau vì chỉ phát triển ồ ạt trong thời gian ngắn rồi rơi vào cảnh bế tắc, suốt thời gian dài không thể tìm được lối đi để hồi sinh trở lại.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cũng được Thủ tướng phê duyệt thành lập từ năm 2007, với tổng diện tích tự 56.865 ha gồm các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn của huyện Hương Sơn. Sau khi thành lập KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, khu vực này cũng được áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt nên sớm hình thành các khu công nghiệp, dự án thu hút đầu tư.
Cũng từ năm 2007, KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được áp dụng chính sách khu vực phi thuế quan nên nhà đầu tư cũng ồ ạt đổ bộ vào triển khai dự án xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, giao thương. Thời kỳ đó, khu vực Cầu Treo và Lao Bảo là những địa danh được nhiều doanh nghiệp hướng tới để đầu tư vì có nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thống kê từ ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hơn 10 năm trước, KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo có khoảng 30 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng đã được chấp thuận. Vậy nhưng, đến bây giờ cũng mới chỉ có ½ số doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng sau một thời gian ngắn rơi vào cảnh dở dang cho đến tận bây giờ.
Thiếu đồng bộ chính sách
Khi đánh giá về nguyên nhân của thực trạng các KKT khu vực cửa khẩu từ hàng chục năm nay rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn”, các nhà đầu tư đều cho rằng do chính sách thay đổi liên tục, đột ngột và các cơ chế khi áp dụng có “tuổi thọ” quá ngắn.
Ông Ngô Dương Lễ - giám đốc Công ty TNHH Lễ Oanh nói rằng, giai đoạn năm 2007 đến 2014, khu vực cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo được xem như địa danh thịnh vượng nhất thời điểm đó để nhà đầu tư hướng tới.
“Được áp dụng khu vực phi thuế quan từ năm 2007 nên doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá qua lại khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Lao Bảo có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vào năm 2014 Bộ Tài chính bất ngờ áp dụng Thông tư số 109/2014/TT-BTC quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài, vào khu phi thuế quan cửa khẩu quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.
Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 1/9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực thi hành thì các khu vực cửa khẩu thông quan hàng hoá đã không được áp dụng trở thành khu vực phi thuế quan nữa nên hàng nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã sớm tháo chạy” – ông Ngô Dương Lễ cho biết.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là cơ chế chính sách nhất quán giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, cửa khẩu vẫn chưa được triển khai đồng bộ.
Ông Phan Thăng Long – Phó Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để thúc đẩy KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo phát triển, ý tưởng Đề án một khu vực, hai quốc gia, một chính sách đã được đề xuất. Lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam – Lào cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ để đi đến thống nhất để tiến tới thành lập một khu hợp tác kinh tế biên giới nhưng đến nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do phía nước bạn chưa bố trí được nguồn lực để thực hiện...
Ông Phan Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An: Mấu chốt để thu hút đầu tư vào các KKT khu vực các tỉnh miền Trung vẫn là hạ tầng về con người. Nhu cầu thông thương, giao thương mở cửa thì doanh nghiệp, quốc gia nào cũng cần cả. Nhưng vấn đề thực thi là thủ tục hành chính, thể chế, con người là quan trọng. Cơ sở hạ tầng nó không khó. Nếu có thể chế, cơ chế thì doanh nghiệp đi đến đâu người ta sẽ đầu tư đến đó. Khu công nghiệp hàng nghìn tỷ người ta còn làm được thì con đường 50-70 tỷ thậm chí hàng trăm tỷ nhà đàu tư vẫn có thể làm được. Cơ bản nhất vẫn là hạ tầng về con người. Bởi nhiều thủ tục hành chính và thiếu linh hoạt trong điều hành cơ chế đã khiến nhiều nhà đầu chỉ nghĩ đến thôi cũng đã nản rồi. Vấn đề này ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam họ đã khắc phục và tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi muốn tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư vào những khu vực này. |
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha
02:28, 03/10/2021
“Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Vì đâu khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ “sớm nở, tối tàn”?
11:03, 15/08/2021
“Vốn mồi” phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Đầu tư tập trung, trọng điểm
11:00, 14/08/2021
“Trái ngọt” nào đọng lại ở các khu kinh tế Cửa khẩu miền Trung dang dở?
01:55, 12/08/2021