Các chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân sắp được Chính phủ triển khai.
Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, đặc biệt tăng tổng cầu để đạt tăng trưởng cao năm 2025.
Quan trọng hơn, điều này sẽ hỗ trợ củng cố “sức khỏe” doanh nghiệp và khả năng cải thiện thu nhập của người dân - yếu tố căn cơ của nền kinh tế trong tương lai.
Từ đầu năm 2025, Chính phủ đã tiếp tục gia hạn và gia tăng các chương trình miễn, giảm, giãn thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giảm phí, lệ phí từ 10 - 50% nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện có hiệu quả biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh theo Nghị định số 144/2024/NĐ-CP.
Đặc biệt, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định số 180/2024/NĐ-CP, đã được minh chứng hiệu quả hỗ trợ đa chiều cho doanh nghiệp và người dân, được triển khai đến hết 30/6/2025.
Bộ Tài chính hiện đã dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2025. Dự kiến, các chính sách này sẽ gia hạn gần 102.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người dân năm 2025. Đây là những chính sách mà cơ hội tiếp cận rộng rãi, phổ biến cho tất cả, không có tình trạng chương trình ban hành tổng gói lớn nhưng giá trị tiếp cận nhỏ giọt (như gói hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 2%).
Mặc dù giãn thu gần 102 nghìn tỷ đồng, song Bộ Tài chính cũng cho biết số thu ngân sách không giảm. Kết quả này đến từ nhiều nguyên nhân, song trong đó, việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ đã có từ năm 2024, với thực tế minh chứng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt kế hoạch 19-20%, tăng thu đạt ít nhất 300 nghìn tỷ đồng; đồng thời 2 tháng đầu năm thu ngân sách tiếp tục tăng 25,7% cho thấy quyết sách tăng chi - giảm và giãn thu là hiệu quả.
Bên cạnh những điểm sáng tích cực của các chính sách tài khóa, phối hợp tiền tệ linh hoạt, đang củng cố nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên của nền kinh tế quốc gia, chúng ta vẫn còn đối mặt với rủi ro tài khóa, thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài dù ở mức trung bình nhưng có thể chịu rủi ro bởi tác động tỷ giá và các biến động. Theo đó, việc đánh giá đầy đủ dư địa chính sách tài khóa để ra quyết sách mở rộng đến mức nào, hỗ trợ tới đâu, rất quan trọng để các chính sách kích cầu tổng lực cho tăng trưởng GDP không mang đến những tác động khó xử lý hơn như nguy cơ tái lạm phát.
Vào giữa năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc) đề xuất đã đến lúc cần phải thắt chặt điều hành chính sách tài khóa để tăng nguồn lực đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
Năm nay, đầu tư công đang là mũi nhọn lớn với chương trình phân bổ gần 900 nghìn tỷ đồng. Do đó, yếu tố giải ngân sẽ là then chốt để mũi nhọn này phát huy vai trò “đầu kéo” - động lực cho tăng trưởng GDP đạt mục tiêu trên 8% trong năm 2025; qua đó, kích cầu đến các lĩnh vực trực tiếp gắn với đầu tư và gián tiếp đến cải thiện thu nhập, chi tiêu tiêu dùng.
Để kích thích tổng lực hiệu quả các chương trình hỗ trợ, mở rộng tài khóa phối hợp với tiền tệ linh hoạt và lực đẩy đầu tư công, tôi cho rằng cần chủ động giám sát thường xuyên điều hành chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán; giám sát và quản lý nợ chặt chẽ. Cùng với đó, có kế hoạch tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng yếu cần ưu tiên hoặc đột xuất. Việc tích lũy nguồn lực và củng cố bộ đệm tài khóa, củng cố tài khóa trung hạn, nâng cao vai trò hệ thống thuế và quản lý chi tiêu để bảo vệ hộ gia đình dễ bị tổn thương cũng cần được ưu tiên.
Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố nợ không xác định - sự thay đổi nợ không giải thích được bằng các yếu tố như lãi suất, tăng trưởng, thâm hụt ngân sách hoặc biến động tỷ giá - cũng là lý do nợ có thể cao hơn dự báo. Tác động chính sách thuế quan từ Mỹ và các rủi ro khó đảm bảo dự báo, có thể sẽ không loại trừ Việt Nam.
Tóm lại, việc triển khai các chính sách tài khóa thông qua thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cộng hưởng kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công, đi cùng cải cách bộ máy quản lý Nhà nước, đang mang đến động lực và niềm tin mạnh mẽ cho nền kinh tế. Giá trị của chính sách hỗ trợ không chỉ được đo lường trong ngắn hạn và qua thước đo tăng trưởng 2025, mà còn củng cố tài chính của doanh nghiệp, người dân.
Trong các khả năng “cân đo” dư địa, điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp bật dậy, có sức cạnh tranh dài hạn (qua đó tăng việc làm, thu nhập, an sinh một cách bền vững), là cần sớm ban hành Luật thuế TNDN sửa đổi. Đây là “đòn bẩy” cho khu vực kinh tế tư nhân có động lực lớn mạnh.