Trong bối cảnh hiện này, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần sớm đưa ra kế hoạch ứng phó kịp thời nhằm kiểm soát chặt vấn đề gian lận thương mại.
Theo đó, mới đây (ngày 4/2), chính quyền Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế với hàng hóa từ Canada, Mexico nhưng hiện vẫn tiến hành với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Mỹ sẽ có động thái tương tự đối với các nước có thặng dư thương mại lớn. Thực tế, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp thuế với hàng hóa nhập khẩu đã được dự báo từ trước, đây cũng được coi là khởi đầu của xung đột thương mại, bởi ngoài 3 nước nói trên bị ảnh hưởng trực tiếp, thương mại quốc tế cũng chịu tác động của sự kiện này. Cả Trung Quốc, Canada và Mexico đều là các nước đang xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ thiết bị điện, máy móc, đồ dùng trong nhà, đến hàng dệt may, da giày, nông sản... Do đó, các chuỗi cung ứng liên quan đến những sản phẩm trên ít nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi sắp tới nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, "ăn xổi" để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Mỹ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, doanh nghiệp cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang EU, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó việc gia tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào gia công cũng là một giải pháp cần thiết nhằm hạn chế rủi ro bị đánh thuế.
"Ngoài ra cần nâng cao tính minh bạch trong chứng nhận xuất xứ sản phẩm để tránh bị nghi ngờ, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do khác nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Năm 2023, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam với mức lên đến 256%", ông Trung khuyến cáo.
Nhấn mạnh việc kiểm soát chặt vấn đề gian lận thương mại, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.
Bởi, bài học nhãn tiền cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời điểm 2018 - 2019 cho thấy, hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thường xảy ra đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
“Hơn bao giờ hết, quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước cần được các cơ quan quản lý siết chặt”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.