Kiểm soát đồ uống có đường - Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 05/04/2024 13:20

Chỉ ra những tác động của đồ uống có đường đối với sức khỏe người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tiêu thụ sản phẩm này…

>> Áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường: Cần nhìn vào thực trạng nền kinh tế

Theo đó, nhằm cung cấp cái nhìn cụ thể đến người tiêu dùng về đồ uống có đường, ngày 5/4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng HealthBridge Việt Nam đã tổ chức hội thảo truyền thông chính sách về vấn đề tác hại của đồ uống có đường đối với sức khoẻ và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

TS Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo qua hình thức trực tuyến

TS Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo qua hình thức trực tuyến

Thông tin tại hội thảo, TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng; đồng thời góp phần làm tăng thừa cân và béo phì… để đạt được mục tiêu khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Theo vị đại diện WHO, tại Việt Nam trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn, trung bình 1 lít/tuần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Trên thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế.

“Tín hiệu giá - chi phí cao hơn – rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Tính đến năm 2023, thế giới đã có 110 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

>> Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại hội thảo

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại hội thảo

Đồng thời cho rằng, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%, để chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt, cần sử dụng truyền thông đại chúng để làm tăng kiến thức về sức khỏe của mọi người, giúp nhận thức đúng đắn hơn về những gì họ đang uống để có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn về đồ uống.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, ngày 29/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sức khỏe, giảm hành vi gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường.

Các chuyên gia về sức khỏe chia sẻ những vấn đề liên quan đến đồ uống có đường và sức khỏe tại hội thảo

Các chuyên gia về sức khỏe chia sẻ những vấn đề liên quan đến đồ uống có đường và sức khỏe tại hội thảo

Theo ông Hải, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã có quyết định ban hành kế hoạch cung cấp thông tin báo chí về đồ uống có đường và vai trò kiểm soát chính sách thuế năm 2024. Việc sử dụng không hợp lý các sản phẩm này là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng bệnh tim mạch.

“Có 3 biện pháp giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, bao gồm hạn chế quảng cáo với trẻ em, truyền thông sử dụng đồ uống có đường không hợp lý, và đặc biệt quan trọng nhất là áp thuế với đồ uống có đường”, vị này bày tỏ.

Tại hội thảo, chia sẻ sâu hơn về những tác động đối với sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng đồ uống có đường, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, áp thuế với đồ uống có đường sẽ tạo tác động đến tăng giá, qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Tăng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ dẫn đến tăng năng lượng nạp vào (năng lượng rỗng) gây thừa cân, béo phì. Trẻ em từ 2 - 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gram mỗi ngày (nhỏ hơn hoặc bằng 5% tổng năng lượng nạp vào). Đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần.

Đặc biệt, WHO khuyến nghị, việc tiêu thụ đường tự do nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành và dưới 12 - 25 gram mỗi ngày với trẻ em.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường: Cần nhìn vào thực trạng nền kinh tế

    Áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường: Cần nhìn vào thực trạng nền kinh tế

    03:00, 27/05/2023

  • Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

    Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

    03:30, 17/05/2023

  • Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    13:09, 05/05/2023

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    03:00, 05/04/2023

  • Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát: Lợi bất cập hại

    Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát: Lợi bất cập hại

    16:01, 31/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiểm soát đồ uống có đường - Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO