Doanh nghiệp

Kiến nghị Thủ tướng cho khai thác 2 mỏ sắt Quý Xa và Thạch Khê

Nguyễn Tiến Dũng 10/02/2025 14:44

Tại Hội nghị Chính phủ gặp Doanh nghiệp sáng 10/2/2025, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã kiến nghị Chính phủ cho đẩy nhanh triển khai khai thác 2 mỏ sắt là Quý Xa và Thạch Khê.

Theo ông Trần Đình Long, cách đây khoảng 2 tháng, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về thực trạng ngành thép hiện nay. Theo đó, mỗi năm toàn ngành thép Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng, trong đó 95% được nhập từ các thị trường như Úc và Brazil. Việc nhập khẩu quặng thép có thể thấy rõ khi chứng kiến các tàu hàng lớn, lên đến 200.000 tấn, cập cảng liên tục để cung ứng nguyên liệu. Điều này đặt ra bài toán về ngoại tệ khi ngành thép phải chi không dưới 3 tỷ USD mỗi năm cho nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu một số mỏ quặng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Hiện Việt Nam có hai mỏ quặng sắt lớn là mỏ Quý Xa và mỏ Thạch Khê. Trong đó, mỏ Quý Xa (huyện Văn Bàn – Lào Cai) đã được khai thác, nhưng theo thông tin mới nhất, giấy phép khai thác đã bị thu hồi. Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức đấu thầu khai thác trong quý I năm 2025 để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu trong nước. Nếu để mỏ không được khai thác, tài nguyên sẽ bị lãng phí trong khi ngành thép vẫn phải chi ngoại tệ nhập khẩu.

Mỏ sắt Thạch Khê đang bị dừng lại không biết bao giờ mới được khai thác trở lại
Mỏ sắt Thạch Khê đang bị dừng lại không biết bao giờ mới được khai thác trở lại

Đối với mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), ông Long cũng cho biết đây là mỏ sắt có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với trữ lượng ước tính khoảng 500 triệu tấn, tổng giá trị lên tới 4-50 tỷ USD. Nếu khai thác hiệu quả, Việt Nam có thể thu về từ 15-20 tỷ USD tiền thuế, tạo nguồn lực lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, suốt 10-20 năm qua, mỏ sắt này vẫn chưa được đưa vào khai thác do nhiều ý kiến trái chiều từ địa phương, các bộ ngành và Bộ Quốc phòng, cho rằng khai thác sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, việc khai thác đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương để sớm có quyết định khai thác, tránh lãng phí tài nguyên. Việc khai thác không chỉ giúp chủ động nguyên liệu cho ngành thép mà còn tiết kiệm ngoại tệ, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.

Ngoài 2 mỏ sắt, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng, trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2025-2030, Việt Nam có nhiều dự án quy mô lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án kết nối với đường sắt Trung Quốc, Hà Nội – Lào Cai, Lào Cai – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Nội Lạng Sơn,..các dự án này trị giá tới 250 tỷ đô la, đấy là thời cơ rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Nếu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết hay quyết định giao cho các doanh nghiệp lớn thực hiện thì đây sẽ là nguồn động viên to lớn cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất vật liệu, nhà thầu thi công đang mong chờ việc này. Nếu vậy sẽ giải quyết được 2 vấn đề, một là các doanh nghiệp mạnh dạn yên tâm đầu tư và quan trọng hơn là Việt Nam sẽ có sản phẩm cho những công trình lớn và quan trọng.

Ông Long cũng chia sẻ, thời gian tới, Hòa Phát có thể khởi công đầu tư nhà máy sản xuất ray với vốn đầu tư 10 ngàn tỉ đồng. Với máy móc thiết bị hiện có Hòa Phát đủ năng lực cung cấp các sản phẩm ray thép, thép chế tạo đảm bảo chất lượng làm trục bánh xe tàu hỏa, phụ kiện đường sắt. Hòa Phát ước tính 3 dự án đường sắt hiện tại cần khoảng 10 triệu tấn thép, doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ khối lượng 10 triệu tấn, đảm bảo tiến độ và giá thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến nghị Thủ tướng cho khai thác 2 mỏ sắt Quý Xa và Thạch Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO