Không có nguồn thu, nhưng vẫn phải gồng gánh các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng, lo cho đời sống tài xế, nhân viên, nhiều doanh nghiệp vận tải đã "sức cùng lực kiệt" đối diện với nguy cơ phá sản.
Tình hình hoạt động của ngành vận tải trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,9%) và luân chuyển 80,6 tỷ lượt khách, giảm 17,5% (cùng kỳ năm trước giảm 31,8%), trong đó vận tải trong nước giảm 9,5% và giảm 9,2%; vận tải ngoài nước giảm 96,4% và giảm 94,9%.
Tất cả các ngành đường đều gặp khó khăn nhưng hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đường hàng không chỉ đạt 13,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 57,7% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 12,3 tỷ lượt khách, so với cùng kỳ năm 2020 và 2019 lần lượt giảm 46,6% và giảm 72,5%.
Doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ và đường sắt vẫn đang trong giai đoạn cầm cự, nỗ lực duy trì hoạt động SXKD. Trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đường sắt chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 52,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 76,5% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 520,8 triệu lượt khách, giảm 54,1% (so với 2020) và giảm 76,2% (so với 2019).
Vận tải hành khách đường bộ trong 7 tháng năm 2021, đạt 2.736,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 93,9 tỷ lượt khách, giảm 8% (so với 2020) và giảm 30,3% (so với 2019). Sản lượng hành khách sụt giảm, lượt xe giảm, sức chống đỡ sau nhiều lần dịch bệnh cũng đã cạn dần, một số doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi.
Tới tháng 8, tình hình vẫn không khả quan hơn. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động vận tải trong tháng 8 gặp khó khăn khi nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đáng chú ý, tính đến nay, đã có 540 doanh nghiệp vận tải, kho bãi đã hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình hiện nay coi là bi đát nhất từ đầu năm, khi vận tải hành khách tháng 8 ước tính đạt 60,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm sâu 75,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 2 tỷ lượt khách.km, tụt dốc 80,3%. Vận tải hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 91,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 21,1 tỷ tấn.km, giảm 21,8%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.926,7 triệu lượt khách, nối tiếp đà giảm 18,8% so với cùng kỳ, cùng kỳ năm 2020 cũng giảm 28,4%. Luân chuyển đạt 80,1 tỷ lượt khách.km, giảm 25,9%, cùng kỳ 2020 giảm 34,2%.
Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.926,6 triệu lượt khách, giảm 18,7% và 79,7 tỷ lượt khách.km, giảm 19,1%. Vận tải ngoài nước đạt 98,4 nghìn lượt khách, giảm 96,4% và 484,8 triệu lượt khách.km, giảm 95%.
Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ 8 tháng dẫn đầu, đạt 1.782 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước và 65 tỷ lượt khách.km luân chuyển, giảm 18,7%.
Thấp nhất là đường biển đạt 3,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 20% và 202,4 triệu lượt khách.km luân chuyển, giảm 7,8%. Kế đến, đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 54,5% và 528,6 triệu lượt khách.km luân chuyển, giảm 55,8%.
Chia sẻ về khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô đang sống "thoi thóp" và đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, dẫn tới hoạt động vận tải bị ngưng trệ.
"Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm, giãn nợ nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng. Các khoản nợ ngân hàng vẫn chưa thể trả đúng hạn, các chính sách hỗ trợ khác, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận", ông Quyền nói.
Cũng theo đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ, đơn vị đầu tư 19 xe giường nằm loại 41 giường, 9 xe giường nằm VIP loại 20 buồng riêng (mỗi xe gần 4 tỷ đồng) và hàng chục xe khác để chở khách du lịch.
Hơn 70% tiền mua xe là vay ngân hàng, mỗi tháng Công ty trả cả gốc và lãi đến 540 triệu đồng mà bây giờ vận tải hành khách dừng hoạt động dẫn tới nguồn thu không có. Giờ bán xe cũng chẳng ai mua vì họ mua cũng không biết làm gì.
Cũng theo Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp vận tải đã phải đối diện với nhiều khó khăn, doanh thu giảm 80%, không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu.
Nghiên trọng hơn là 2 tháng vừa qua, hoạt động vận tải hành khách tại Hà Nội đã dừng, khiến cho doanh thu sụt giảm 100%, trong khi đó, các khoản chi phí về bến bãi, lãi vay, đăng kiểm,... doanh nghiệp vẫn phải tự xoay sở để lo chi trả.
Theo ông Hùng, việc Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải khiến cho những tháng qua các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ nhưng các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, và cho vay vì vướng quy định tại các Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư 03 được ban hành vào tháng 4/2021, tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng như hiện nay. Thông tư này quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế, với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ.
"Để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp kiến nghị cần sửa quy định này theo hướng thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay", ông Hùng đề xuất.
Cũng theo ông Hùng, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện đến 31/12/2021 trong Thông thư chưa phù hợp. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 như quy định. Quy định như vậy gây vướng cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn cứu doanh nghiệp cũng không có đủ cơ sở.
Ngoài ra, việc chỉ cơ cấu các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 03 cũng không còn phù hợp. Việc không thực hiện cơ cấu được sẽ khiến các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, họ gặp nhiều khó khi chạy theo xét nghiệm vì mỗi địa phương quy định một kiểu. Đơn cử tại Quảng Ninh, hiện lái xe nơi khác muốn chở hàng đến cửa khẩu Móng Cái phải xét nghiệm Covid-19 ba lần. Theo quy định của Quảng Ninh, lái xe phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 giá trị trong 48 giờ từ thời điểm lấy mẫu. Khi đến cửa ngõ TP Móng Cái, tài xế tiếp tục phải làm xét nghiệm nhanh. Và khi rời khỏi cửa khẩu, các tài xế phải xét nghiệm PCR lần cuối.
Ông Trần Văn Hào, Giám đốc Công ty vận tải Thái Việt Trung chuyên vận chuyển linh kiện điện tử, cho rằng quy định như vậy rất phức tạp. Móng Cái là một trong hai địa điểm vận chuyển hàng chủ yếu của doanh nghiệp, bên cạnh cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ông mô tả, để đưa hàng từ Lạng Sơn về Móng Cái, doanh nghiệp sẽ phải xét nghiệm PCR tại Lạng Sơn. Nơi này này chỉ có một điểm lấy mẫu, làm từ 8h-11h sáng và trả kết quả vào khoảng 15-16h ngày hôm sau.
"Như vậy, để có được 'giấy thông hành', có khi chúng tôi mất đến 30 tiếng, chỉ còn 18 tiếng để về chạy xe về Quảng Ninh", ông Hào nói. Quãng thời gian này theo ông là rất rủi ro vì nếu gặp trục trặc trên đường, doanh nghiệp sẽ không kịp hạn hiệu lực của xét nghiệm. Do vậy, họ buộc phải căn chỉnh thời gian rất cẩn trọng để không lỡ hàng hoá.
Tuy nhiên điểm vô lý theo doanh nghiệp chính là việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm PCR trước khi rời cửa khẩu Móng Cái. Ông Hào cho biết, các doanh nghiệp thường chỉ mất nhiều nhất là 2 tiếng cho hoạt động bốc dỡ, giao nhận hàng, nhưng phải mất đến 6-10 tiếng chờ kết quả "test Covid-19". Việc lưu lại nhiều giờ ở cửa khẩu khiến các doanh nghiệp bị tăng chi phí, đồng thời, gây rủi ro lớn về lây nhiễm bệnh dịch.
Trong gần 2 tháng khi bị vướng các quy định này, phía Thái Việt Trung cho biết, cứ 3 ngày lái xe mới hoàn thành một chuyến xe; chi phí phát sinh thêm trên mỗi chuyến là 600.000 tới một triệu đồng tiền xét nghiệm, khiến doanh nghiệp thiệt hại 30-50 triệu đồng mỗi ngày; tâm lý lái xe mất ổn định, mệt mỏi vì phải "chọc mũi" quá nhiều.
Không chỉ gặp khó ở Quảng Ninh, các doanh nghiệp vận tải cho biết, nhiều địa phương khác cũng thắt chặt việc ra vào thông qua xét nghiệm Covid-19. Yêu cầu của các địa phương cũng khác nhau, tuỳ vào quan điểm chống dịch.
Theo ghi nhận của VLA, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngoài yêu cầu giấy xét nghiệm PCR âm tính còn giá trị trong 72 giờ bắt buộc lái xe phải test nhanh. Lạng Sơn cũng yêu cầu tương tự.
Hưng Yên lại yêu cầu giấy xét nghiệm PCR nhưng thời hạn chỉ trong 48 giờ. Hải Phòng có lúc quy định lái xe phải làm xét nghiệm PCR ở tỉnh khác mới được vào, còn giấy làm tại Hải Phòng không có hiệu lực. Nhưng có tỉnh lại bắt buộc xét nghiệm PCR phải thực hiện trên địa bàn.
Sự không đồng nhất còn được thể hiện ở quy định cách ly của mỗi địa phương. Doanh nghiệp cho biết từng có trường hợp nhân viên F1 bị cách ly lâu hơn cả F0. Cụ thể, hai người này đi công tác và bị nhiễm bệnh. Người F0 tổng thời gian chữa trị và cách ly mất 30 ngày. Người đồng nghiệp đi cùng là F1 sau khi cách ly 15 ngày thì được cho về quê. Tại đây, anh này tiếp tục bị bắt đi cách ly tập trung 15 ngày, cách ly tại nhà 15 ngày, tổng cộng 45 ngày cách ly.
"Mỗi tỉnh đưa ra quy định, cách tiếp cận và dựa theo quan điểm chống dịch của họ", ông Nghĩa chia sẻ. Theo ông, một vấn đề mà bắt doanh nghiệp, hiệp hội phải làm việc với từng địa phương thì với hơn 60 tỉnh thành, họ sẽ không có đủ nguồn lực thực hiện.
Theo ông Hào, sau các văn bản của Chính phủ, Bộ ngành về gỡ khó giao thông hàng hoá, các địa phương càng làm chặt hơn. "Bộ Giao thông Vận tải nêu đích danh Quảng Ninh trong 8 tỉnh phát sinh giấy phép con, làm khó lưu thông hàng hoá nhưng mọi thứ vẫn vậy", ông nói.
Yêu cầu giữ giao thông thông suốt thực tế đã được lãnh đạo Chính phủ đề cập nhiều lần. Cách đây vài ngày, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng phát sinh nhiều quy định, giấy phép con gây khó người dân, doanh nghiệp trong lưu thông hàng hoá.
VLA cho biết, các kiến nghị giai đoạn sau này của hội và các doanh nghiệp, tập trung vào mong muốn duy nhất là các quy định được Chính phủ được địa phương thực hiện. Nhưng đến nay, thế khó vẫn hoàn khó.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần cơ chế cho phục hồi sản xuất, giữ chân doanh nghiệp FDI
08:17, 26/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Chủ tịch VAA kiến nghị những giải pháp cấp thiết cho doanh nghiệp
06:12, 26/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là duy trì sản xuất
06:00, 26/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xây dựng cần “ôxy tín dụng”
05:50, 26/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: "Thẻ xanh" sẽ giúp "phá băng" cho ngành du lịch
06:00, 26/09/2021