Doanh nghiệp xây dựng - bất động sản (BĐS) Việt Nam đang từng ngày đóng góp lớn cho sự thay đổi của bộ mặt đô thị, đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Gắn bó với thị trường BĐS từ buổi ban sơ, với cương vị lãnh đạo nhiều doanh nghiệp từ Nhà nước cho đến tư nhân, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của doanh nghiệp xây dựng - BĐS trong tiến trình đô thị hóa?
Ngành xây dựng nói chung và BĐS nói riêng không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung, mà còn đóng vai trò đặc biệt trong phát triển đô thị. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, bộ mặt đô thị của nước ta có phần kém hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong 30 năm trở lại đây, các thành phố, đô thị của Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, sánh kịp với các nước.
Quy mô, chất lượng doanh nghiệp cũng đã thay đổi mạnh mẽ và doanh nghiệp đã trưởng thành hơn rất nhiều. Trước đây các doanh nghiệp xây dựng Việt chủ yếu làm nhà thầu phụ, đơn cử như tại khách sạn Hà Nội, quy mô 11 tầng nhưng nhà thầu chính vẫn từ nước ngoài. Còn hiện tại, từ cao ốc 81 tầng, các dự án đô thị quy mô lớn, đến những đường hầm xuyên núi, xuyên sông, và nay là sân bay Long Thành cũng đã do các doanh nghiệp Việt Nam đảm đương.
- Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp xây dựng - BĐS đang đối diện với những cơ hội và thách thức nào, thưa ông?
Ngành xây dựng luôn đối mặt với đặc thù "ráo mồ hôi là ráo tiền", chưa kể đến những điểm chưa minh bạch và thiếu công bằng trong các hợp đồng kinh tế. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong các dự án quy mô lớn.
Hiện nay, nhu cầu xây dựng hạ tầng đang tăng mạnh, đặc biệt với các dự án quan trọng như dự án sân bay Long Thành hay tuyến đường sắt cao tốc với tổng mức đầu tư lên tới 67 tỷ USD. Ban đầu, nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện các dự án này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước đã chứng tỏ được năng lực khi đảm nhận nhiều gói thầu lớn tại các dự án cao tốc Bắc – Nam và các công trình quy mô khác.
Thị trường BĐS cũng không ngoại lệ khi luôn biến động và phụ thuộc chặt chẽ vào quá trình đô thị hóa. Trong 2 năm qua, thị trường đã chứng kiến sự thanh lọc của những nhà đầu tư không chuyên nghiệp và không đủ năng lực. Sự thay đổi trong hệ thống luật pháp cũng khiến điều kiện triển khai các dự án trở nên khắt khe hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực và kinh nghiệm thực sự để tồn tại và phát triển. Điều này không chỉ giúp thị trường BĐS trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn tạo ra một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang được đặt ra là giá thành BĐS tại Việt Nam đang cao hơn so với khu vực. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá BĐS tăng cao là do phương pháp định giá đất hiện tại. Định giá đất tăng cao, cấu thành giá bán BĐS tăng đang trở thành một vòng luẩn quẩn giữa giá nhà và giá đất. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía các cơ quan chức năng và hệ thống luật pháp, giá BĐS có thể tiếp tục leo thang mà không có điểm dừng. Đến khi giá cả vượt quá mức chấp nhận của thị trường, không còn ai có khả năng mua, các doanh nghiệp BĐS có thể phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
- Ông có chia sẻ gì đến các doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành?
Các doanh nghiệp xây dựng phải không ngừng nỗ lực và đoàn kết với nhau lớn mạnh để cùng chung sức vào các dự án lớn. Hy vọng trong những năm tới ngành xây dựng Việt Nam sẽ không ngừng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của các công trình trọng điểm quốc gia.
Còn về BĐS, một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp cần chú ý là nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Trước đây, việc mua nhà đơn giản chỉ là tìm một nơi để ở. Tuy nhiên, người mua hiện nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Khách hàng hiện nay mong muốn những dự án có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ. Một khu đô thị lý tưởng phải có hệ thống trường học, siêu thị, khu vui chơi thể thao, công viên và các tiện ích khác phục vụ đời sống của cư dân.
Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các chủ đầu tư trong việc phát triển hạ tầng. Để có thể cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp BĐS buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sự gia tăng này không chỉ làm tăng chi phí đầu tư mà còn đòi hỏi các nhà đầu tư phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp BĐS không còn chỉ dừng lại ở giá bán mà giờ đây, yếu tố chất lượng sản phẩm đang trở thành trọng tâm. Việc cải thiện tiện ích, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh mà còn góp phần nâng tầm thị trường BĐS.
Việc cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì chỉ bằng giá cả cũng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững hơn, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!