Kinh tế địa phương

Kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Phương Anh 21/12/2024 15:19

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đồng Tháp năm 2023 xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng của cả nước và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là năm thứ 16 liên tiếp (2008 - 2023), tỉnh Đồng Tháp nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố dẫn đầu trên cả nước về chỉ số PCI.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 3 từ trái sang) khảo sát tiến độ thi công công trình tuyến tránh QL 30 đoạn TP Cao Lãnh
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 3 từ trái sang) khảo sát tiến độ thi công công trình tuyến tránh QL 30 đoạn TP Cao Lãnh.

Kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực, kiên trì của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh minh bạch

Qua kết quả khảo sát cho thấy, năm 2023, nhiều chỉ số thành phần trong PCI của Đồng Tháp tăng điểm. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,50 điểm (tăng 0,32 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 7,28 điểm (tăng 0,18 điểm); chỉ số chi phí thời gian đạt 8,39 điểm (tăng 0,28 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,72 điểm (tăng 0,39 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,21 điểm (tăng 0,71 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 8,31 điểm (tăng 0,35 điểm).

Về chỉ số PGI năm 2023, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 18 cả nước. Trong đó, các chỉ số tăng điểm là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai tăng từ 3,55 lên 7,71 điểm; đảm bảo tuân thủ 4,96 lên 5,80 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh từ 3,88 lên 4,13 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 1,98 lên 5,10 điểm.

Từ kết quả đánh giá cho thấy, tại tỉnh Đồng Tháp, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện nhanh hơn, như: 97% doanh nghiệp đánh giá “Thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai”; 100% cán bộ, công chức “Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ”; 91% nhận định “Cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn”... Hơn thế, môi trường kinh doanh của tỉnh được doanh nghiệp đánh giá là minh bạch nhất so với cả nước (dẫn đầu cả nước 2 năm liên tục), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương...

Công tác cải cách hành chính, năng lực thực thi, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn (chỉ số này xếp thứ 3 trên cả nước). Trong đó, có 93% doanh nghiệp đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”; 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “Cán bộ Nhà nước thân thiện”; 89% doanh nghiệp cho rằng “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”; 88% doanh nghiệp nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản”...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh triển khai 02 mô hình mới: “Không gian hành chính phục vụ” và “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”. Riêng mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”, từ khi triển khai đến nay đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh ngay những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức mở như: mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” được triển khai ở cấp tỉnh và cấp huyện; họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tổ chức nhiều buổi trao đổi cùng doanh nhân tại các khu công nghiệp để lắng nghe, chia sẻ khó khăn...

Tiếp tục nâng cao PCI

Bà Phạm Thị Ngọc Đào - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, Đồng Tháp phấn đấu điểm số PCI đạt từ 71 điểm trở lên và duy trì trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên cả nước. Đồng thời, tỉnh phấn đấu điểm số PGI tỉnh đạt từ 25,75 điểm trở lên.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, kiến nghị bãi bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh, góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục thực hiện mô hình một cửa - một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh tiếp tục duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Đồng Tháp cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu thuộc lĩnh vực phụ trách, hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu…

Tỉnh cũng tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung theo Luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: Đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO