Trong "bộ tứ trụ cột" theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị đều kêu gọi sự đóng góp và có chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cùng cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, sáng 25/5.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cho biết, hiện tại địa bàn có trên 30.000 người Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia tương đối "trẻ", mới hình thành chưa lâu, nhưng nhìn chung đoàn kết, chịu khó làm ăn, có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp Việt Nam và Malaysia, hòa nhập tốt với xã hội sở tại.
Nhiều người Việt đã vượt qua khó khăn, thành lập doanh nghiệp, nhà hàng và kinh doanh hiệu quả. Cộng đồng đã hình thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho người Việt xa xứ, đồng thời duy trì các hoạt động tích cực như dạy tiếng Việt, tổ chức các chương trình hỗ trợ bà con gặp khó khăn, cũng như quyên góp giúp đồng bào trong nước trong các đợt thiên tai, dịch bệnh.
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh cho biết, quan hệ Việt Nam - Malaysia chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và ngày càng tốt hơn. Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được thiết lập trong chuyến thăm Malasia của Tổng Bí thư Tô Lâm vào cuối năm 2024. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Phía Malaysia rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương tăng nhanh, kim ngạch hai chiều năm 2024 đạt gần 18 tỷ USD. Hai nền văn hóa Việt Nam - Malaysia có sự kết nối, đáng chú ý là đã hình thành cộng đồng người Chăm Việt Nam tại Malaysia.
Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn quan tâm, đồng hành và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh là bộ phận không tách rời, là máu thịt, là nguồn lực quan trọng của dân tộc.
Thủ tướng thông tin, thời gian qua, một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được cụ thể hóa vào các dự thảo luật, đưa ra Quốc hội xem xét, trong đó có 3 luật sửa đổi được thông qua, gồm Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi Luật Quốc tịch, với tinh thần thông thoáng hơn, tạo thuận lợi nhất cho tất cả những ai yêu nước về xây dựng, giúp đỡ đất nước.
Thủ tướng cho rằng, có nhiều cách để giúp đỡ đất nước, ở lại sở tại cũng tốt và về nước cũng tốt. Trước hết là mỗi người tự lo được cho chính mình, gia đình mình, khi có điều kiện thì đóng góp cho đất nước với tấm lòng mình, phát huy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít".
Khẳng định một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tôc ta là tinh thần đoàn kết, Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng phát triển, vững mạnh, có vai trò, vị trí cao trong xã hội sở tại; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế, bởi văn hóa còn thì dân tộc còn.
Bên cạnh đó, cần có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về đất nước, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước; các hội đoàn tiếp tục phát huy vai trò kết nối kiều bào, trong đó có kết nối, xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp Việt Nam ở sở tại.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó; đề nghị tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại, đoàn kết, phát triển, vững mạnh, cũng như tổ chức nhiều hoạt động để tập hợp bà con tham gia, hướng về quê hương, đặc biệt là thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của bà con.
Thủ tướng cũng ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trong nước triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, trong "bộ tứ chiến lược" theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; về phát triển kinh tế tư nhân) đều kêu gọi sự đóng góp và có chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài.