Chuỗi cà phê King Coffee mới đây đã hợp tác với các cửa hàng FPT Shop để mở thêm điểm bán mới, dưới mô hình quầy WEHome Café.
Trong những ngày đầu năm 2021, trên các tuyến phố tại Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều hơn các xe WEHome Café trước các cửa hàng FPT Shop. Mô hình WEHome Café bao gồm 1 quầy pha chế cà phê, 1 standee, 1 menu, 1 dù sắt, 2 bộ bàn ghế (mỗi bộ gồm 1 bàn và 2 ghế), và 1 bộ máy POS (WEHome Café).
Như vậy, về mặt hình thức, đây là 1 chiếc “xe đẩy” bán cà phê mang đi. Nhưng việc “đứng trên vai” PFT Shop, các xe WEHome Café của King Coffee đã nâng tầm cao hơn so với hình ảnh một “xe bán rong”.
Trào lưu “bán rong”
Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến đến doanh thu của nhiều hàng quán ăn uống, đặc biệt là các quán cà phê ngồi tại chỗ bị sụt giảm mạnh. Nhiều đơn vị đã chọn cách đóng cửa, không ngần ngại “xuống đường bán rong”.
Cụ thể, trước dịch, hệ thống Coffee Bike có 15 điểm bán ngồi tại chỗ thưởng thức, do dịch nên đã đóng bớt 10 điểm, đổi lại bằng việc mở rộng, phát triển 35 điểm bán cà phê bên đường.
Tương tự, chuỗi cà phê Pasino ngoài việc liên tục giảm giá cà phê còn cho nhân viên đứng ngay cạnh các lề đường để giới thiệu sản phẩm mang đi với giá 19.000 đồng.
Cuộc chiến giành thị phần tại thị trường “vỉa hè” cũng không sót ông lớn Highlands Coffee. Là một tên tuổi ở thị trường phân khúc trung và cao cấp, thương hiệu này chọn cách “xuống đường” bằng phiên bản cà phê được bán trên xe ô tô lưu động, với thực đơn bao gồm các món cà phê, đồ uống như trà và cả cà phê bột túi.
Không sở hữu chuỗi cà phê, nhưng Vinacafe cũng chọn cách đặt xe đẩy ở những nơi có nhiều người qua lại, chủ yếu ở quận Phú Nhuận và Bình Thạnh (Tp. Hồ chí Minh) để quảng bá và tìm kiếm khách hàng.
Vẫn là quầy cà phê tối giản như các đối thủ cùng ngành, tuy nhiên King Coffee “hay hơn” ở chỗ không bị mang tiếng “đứng đường bán rong”.
Đứng trên vai người khổng lồ
Rõ ràng King Coffee vẫn có thể áp dụng bán hàng lề đường như các bên. Cơ hội tiếp cận khách hàng ở những nơi đông đúc như ngã tư, các tòa cao ốc,... cao hơn hẳn so với cửa hàng điện thoại như FPT.
Tuy nhiên việc hợp tác với FPT Shop sẽ giúp những chiếc xe của King Coffee có một chỗ bán chính thống cố định, không phải là những xe đẩy đi bán rong. Vị thế của WEHome Café nhờ đó cũng nâng cao hơn.
Mặt bằng FPT Shop “lịch sự”, vừa không làm mất hình ảnh thương hiệu của King, vừa có phần nâng tầm mô hình “quầy cà phê”. Ngoài ra, các cửa hàng của FPT Shop cũng được đặt tại các vị trí trung tâm. Cơ hội tiếp cận khách hàng của Kings Coffee nhờ vậy cũng không phải là ít.
Như vậy, bản chất của cú bắt tay này chính là King Coffee đã “đứng trên vai người khổng lồ FPT” để tạo dựng hình ảnh. Cách làm này khá giống với Ông Bầu vào hồi tháng 8/2020, khi Ông Bầu hợp tác với chuỗi nhà hàng nướng Ba Gác để bán cà phê.
Được biết, WEHome Café là mô hình nhượng quyền mới được tung ra trong 2020. Việc hợp tác với FPT Shop được xem là tiền đề để WEHome Café hướng đến mục tiêu 8.000 điểm bán trong năm 2021. Rất có thể, thời gian tới là những vụ bắt tay của King Coffee với nhiều chuỗi bán lẻ “có chỗ đứng” khác trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm