Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền với DĐDN.
Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, “kinh doanh trên đất phải trả lại cho đất”, tạo dựng những khu công nghiệp (KCN), những cụm công nghiệp phát triển bền vững trên nền tảng văn hoá rõ nét.
- Định hướng phát triển KCN sinh thái của Shinec tại KCN Nam Cầu Kiền được khởi xướng thế nào, thưa ông?
Với diện tích tổng 260 ha, mật độ xây dựng của KCN Nam Cầu Kiền chỉ 60% và 40% còn lại là các công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh. Trong đó, cây xanh chiếm gần 30%. Chúng tôi xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn trong KCN của mình gồm chuỗi kinh tế tuần hoàn ngành luyện kim – cơ khí; ngành nhựa và các sản phẩm từ nhựa; ngành phụ trợ điện – điện tử. Trong chuỗi này, chất thải đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác, tạo chuỗi tuần hoàn khép kín chuỗi đó. Ví dụ, trước đây sản xuất thép thành phẩm, phải mang xỉ thép đi xử lý, đơn vị sản xuất phải trả 5 triệu đồng/tấn xỉ thép cho đơn vị xử lý kia thì nay bán thu về được 5 triệu đồng.
Với quy trình khép kín và sản xuất tuần hoàn này, tất cả những thứ bỏ đi trước đây giờ đều có giá trị, đều là nguyên liệu quan trọng, tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã coi KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là môi trường lý tưởng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
- KCN được định hình là KCN sinh thái, vậy các doanh nghiệp trong KCN cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào để tránh tình trạng KCN sinh thái nhưng doanh nghiệp trong đó lại không, thưa ông?
KCN Nam Cầu Kiền hiện có 80 doanh nghiệp, với 75 doanh nghiệp đã hoạt động và 5 doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư xây dựng giai đoạn cuối. Trong đó, có 45% là doanh nghiệp Việt và 55% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông.
Để đăng ký chứng nhận là KCN sinh thái thì chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN phải cùng đồng hành. Dù trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào, chúng tôi cũng đều luôn lấy yếu tố đặt lợi ích của doanh nghiệp đối tác lên hàng đầu. Khi KCN của chúng tôi tạo dựng được môi trường mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, chúng tôi đăng ký chuỗi kinh tế tuần hoàn, chúng tôi kết nối các doanh nghiệp với nhau.
Về phía doanh nghiệp, khi doanh nghiệp nằm trong các KCN sinh thái, sản phẩm của các doanh nghiệp đó được chứng nhận là sinh thái thì họ sẽ đạt các tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ… từ đó họ có cơ hội tham gia nhiều thị trường xuất khẩu khó tính.
- Bên cạnh các yếu tố trọng tâm là các chuỗi kinh tế tuần hoàn và tỷ lệ lấp đầy, thì yếu tố nào để Nam Cầu Kiền phát triển KCN sinh thái, thưa ông?
Ngoài các yếu tố trên, chúng tôi thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang kết hợp với các doanh nghiệp trong KCN lắp đặt điện năng lượng mặt trời để sử dụng tại khu KCN và hoà lưới bán điện dư. Cùng với đó, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, tái sử dụng nước thải sau khi xử lý theo quy định chung. Hiện chúng tôi đang phối hợp với một đơn vị của Hà Lan chuyên cung cấp các công nghệ lọc nước tiên tiến nhất hiện nay để lọc nước thải bằng công nghệ Nano, tái sử dụng cho mục đích công nghiệp…
Ngoài ra, chúng tôi cũng định hướng đánh giá ESG, kiểm kê phát thải khí nhà kính, tiềm năng bán tín chỉ carbon. Báo cáo kiểm toán về phát triển bền vững năm 2024 của KCN Nam Cầu Kiền cho thấy khả năng hấp thụ đang gấp 3 lần khả năng phát thải. Còn phải đánh giá thêm 1 bước nữa về chỉ số hấp thụ trước khi hình thành KCN. Dự kiến, sẽ có khoảng 2 phần nữa có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
- Với lộ trình tiến tới ESG, doanh nghiệp còn đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn như thế nào, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là về cơ chế chính sách. Hiện nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn về KCN sinh thái nhưng lại chưa được thể chế hoá, chưa có phân cấp, phân quyền trong đánh giá, kiểm soát và cấp chứng nhận cho KCN sinh thái.
Hiện mới chủ yếu là nhận thức và mong muốn chuyển dịch chủ quan của doanh nghiệp, từ năm 2018 chúng tôi đã chủ động chuyển đổi KCN sinh thái. Vì vậy, doanh nghiệp đang phải tự đi xin chứng nhận tại 9 sở ban ngành của TP Hải Phòng, sau đó chuyển lên bộ, ngành Trung ương. Nếu lại thêm nhiều bộ ngành nữa thì sẽ quá vất vả cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp cần làm thế nào để được xác định là tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, các KCN đã đang sử dụng điện mặt trời làm điện chiếu sáng. Tuy nhiên, quy định các đại lý cấp 1 của công ty điện lực không được bán điện lên lưới điện quốc gia và “quota điện” hạn chế cho mỗi tỉnh, thành đang hạn chế về mức điện năng lượng mặt trời hoà lưới… Do đó, doanh nghiệp không thể bán điện dư thừa. Chúng tôi đề xuất cơ chế phù hợp tháo gỡ khó khăn này, tránh lãng phí nguồn điện tái tạo mà doanh nghiệp trong KCN tạo ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!