Sự phố hợp giữa các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và người dân sẽ sớm đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế.
>>KINH TẾ 2023: Chính sách tiền tệ phù hợp cho doanh nghiệp phục hồi
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, kể từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,1 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt gần 92 triệu lượt (cao hơn số lượng khách của cả năm 2019, trước dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ đón được 2,1 triệu lượt khách. Do đó, để có những hướng phát triển phù hợp với những định hướng chiến lược trong tương lai, đáp ứng nhu cầu Chính phủ đề ra, ông Đức đã đề xuất 6 biện pháp ngành Du lịch sẽ tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, ông Đức cho biết, sẽ chú trọng khai thác phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao như nghỉ dưỡng dài ngày. Trong đó, ưu tiên thu hút khách theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe bên cạnh nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực.
Mở rộng phát triển một số thị trường mới, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hàng năm tăng nhanh như Ấn Độ, Trung đông; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; Đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực cho một số phương thức, hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, về phát triển sản phẩm, ông Đức cho biết, sẽ uu tiên phát triển sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo (du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch thành phố). Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch. Cân bằng phát triển xanh và phát triển du lịch bền vững.
Thứ ba, trong lĩnh vực xây dựng nguồn nhân lực du lịch, ông Đức chia sẻ thêm, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã xảy ra sự mất cân đối và thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Do đó, ông Đức cho răng, thời gian tới, ngành du lịch sẽ ăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyển nghiệp cao; Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao.
"Có thể thấy, thời gian qua đã có những tập đoàn đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch tạo diện mạo mới cho ngành du lịch Việt Nam. Đây là yếu tố cần được khuyến khích và nhân rộng", ông Đức nhấn mạnh.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch là một yếu tố quan trọng. Cơ quan quản lý du lịch chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả như cổng thông tin điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch...
Thứ sáu, ông Đức cho biết sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, điểm đến để có sản phẩm đa dạng hóa. Bên cạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với hàng không và đối tác để có sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, giá cả phù hợp.
Để nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, ông Đức khẳng định, ngành Du lịch rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và người dân để sớm đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những nước du lịch phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm