Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình và Hội đồng Thẩm định khẩn trương thẩm định Đề án Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2021.
Tuần qua (01-05/3), câu chuyện xung quanh Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang là trọng tâm thu hút sự chú ý của bạn đọc. Nói thu hút là bởi chủ đề về điện chưa bao giờ “tắt hot” và nhất là trong diễn biến Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Nói tới quy hoạch điện VIII, có lẽ mọi sự quan tâm sẽ nằm ở câu hỏi Biểu giá bán lẻ điện có gì mới. Dự thảo Đề án của Bộ Công Thương cũng đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng; xem xét thu phí cố định hàng tháng; đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi; xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện… (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới điện). Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD.
Nhu cầu tiêu thụ điện giảm gần đây hay giá điện vẫn đứng yên trong gần 2 năm qua là lý do khiến nhiều dự án điện mới gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên tại Quy hoạch Điện VIII, các dự án năng lượng tái tạo vẫn được khuyến khích. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Có một điều đáng chú ý của dự thảo lần này đó là việc phân bổ công suất nguồn điện giữa các vùng, tiểu vùng và tỉnh thành phố, theo dự thảo quy hoạch. Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân từng nhìn nhận, phải tiếp tục giải quyết bài toán mất cân bằng giữa nguồn và tải của 3 miền. Ông Nhân cho rằng nguồn năng lượng tái tạo hiện đang có tập trung quá mức ở một số địa phương, trong khi điều kiện giải phóng mặt bằng cho các công trình gặp nhiều khó khăn. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư tư nhân được xem là giải pháp khả thi nhằm tìm "lối đi" cho ngành này thời gian tới. Muốn "hút" vốn tư nhân, mấu chốt nhất vẫn là phải đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Trong năm 2020 vừa qua, vấn đề truyền tải điện khiến các nhà đầu tư lo lắng nhất, thì trong Dự thảo lần này cũng đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại Tp.HCM và đồng bằng Sông Hồng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong quy hoạch điện. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vẫn giữ mức nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc theo mức đã được ký kết trước đó. Đối với nhập khẩu Trung Quốc, đề án tính toán với trường hợp chỉ duy trì mua điện ở cấp 220kV như hiện tại với quy mô 700MW và 3,5 tỷ kWh/năm. Trường hợp có thể mua thêm 1000MW và 5,5 tỷ kWh/năm thì sẽ xem xét bù vào phần công suất dự phòng cho trường hợp phụ tải cao. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
Mặc dù đã đưa ra được quy hoạch tổng thể nhưng nhiều chuyên gia góp ý kiến cho rằng vẫn còn một số tồn tại, trong đó nêu bật vấn đề phát triển nguồn điện "xanh". TS. Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ cấu nguồn vốn trong bản dự thảo chỉ phân bổ vào danh mục đầu tư, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu. Bản dự thảo chưa phù hợp, chưa đúng với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh, được đề cập trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cũng nhấn mạnh về vai trò của thị trường điện cạnh tranh, chấm dứt độc quyền trong ngành điện. Nếu chưa có chính sách về thị trường điện năng hoàn chỉnh thì liệu quy hoạch này có đảm bảo thực hiện được không?
Đại diện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Nam Phong - Chủ tịch Vũ Phong Energy Group cho rằng, Quy hoạch điện VIII cần có chính sách phát triển điện mặt trời phân tán, ưu tiên phát triển nơi tiêu thụ nhiều, ít nhu cầu phát lưới và khuyến khích hệ thống tích trữ năng lượng.
Mặc dù quan điểm “điện đi trước một bước" luôn xuyên suốt trong các lần lập quy hoạch điện quốc gia, nhưng nhìn vào thực tế hệ thống điện hiện nay, câu hỏi cũng cần đặt ra lúc này là đi trước bước dài hay ngắn để có chi phí tối ưu hoặc hợp lý nhất với nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 6): Khả năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng
05:00, 04/03/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (kỳ 5): Áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải
04:00, 01/03/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 4): Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư
04:40, 26/02/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền
04:30, 25/02/2021
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%
16:00, 24/02/2021
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 1) Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?
11:00, 24/02/2021
Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021
11:20, 09/11/2020