Từng nằm trong Top thành phố trực thuộc trung ương trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế TP.Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61%.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng vừa được công bố, quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng, giảm 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; xếp thứ 16/63 tỉnh thành của cả nước, giảm 1 bậc so với giai đoạn 2016 – 2019 và chiếm 1,36% tổng GDP cả nước.
Không chỉ tác động từ COVID-19
Theo ông Phùng Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food, dịch COVID-19 vừa qua khiến ngành dịch vụ- du lịch của TP. Đà Nẵng gần như “tê liệt” hoàn toàn. Theo đó, số lượng người lao động hoạt động trong lĩnh vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải nghỉ không lương, làm việc luân phiên…, thậm chí mất việc do doanh nghiệp không thể hoạt động.
Sau hàng loạt động thái “kích cầu du lịch” của chính quyền địa phương, đến nay ngành dịch vụ du lịch đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng vẫn chủ yếu “cầm hơi” vì chưa thể mở cửa giao thương quốc tế mà chỉ đón khách trong nước.
Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua là “khoảng lặng” để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn “xốc” lại tinh thần làm việc và tái tạo năng lực của đơn vị.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Đức, Trưởng Văn phòng Hội Doanh nhân tư nhân khu vực miền Trung, cho rằng dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới Đà Nẵng, mà cả các tỉnh, thành trên cả nước và quốc tế. Thế nhưng, tại sao các tỉnh, thành vẫn tăng trưởng mặc dù thấp, còn riêng Đà Nẵng tăng trưởng âm?
Đà Nẵng đặt mục tiêu từ giờ đến cuối năm nay đón 9 triệu lượt khách, tổ chức Diễn đàn đầu tư vào tháng 9 tới và sẽ có một số dự án lớn được cấp phép để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm nay và những năm tiếp theo.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế khi thời gian qua TP. Đà Nẵng phát triển quá “nóng” mà chưa chú trọng đến các ngành hỗ trợ như: công nghệ thông tin, sản xuất công- nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, logistics… Do đó, khi du lịch- dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì kinh tế Đà Nẵng tụt dốc mạnh. Đây là điểm yếu lớn nhất của kinh tế Đà Nẵng”, ông Trương Đình Đức nhấn mạnh và dẫn chứng, thống kê mới nhất cho thấy khu vực công nghiệp và xây dựng của TP. Đà Nẵng giảm 261,1 tỷ đồng; hoạt động của các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi đến 90% trong số gần 7.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đi tìm lời giải
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng (đề nghị dấu tên) cho biết, sở dĩ thời gian qua kinh tế Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại do nhiều nguyên nhân, tất nhiên tác động của dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.
Dẫn chứng một trong những nguyên nhân tồn tại, vị chuyên gia nói trên khẳng định, ngay trong các văn bản cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng gặp nhiều khúc mắc, cụ thể như văn số 4820/SXD-CPXD ngày 19/6/2020 của Sở Xây dựng liên quan đến việc tạm dừng cấp phép xây dựng đối với những công trình xây dựng mới nhà ở riêng lẻ kết hợp thương mại dịch vụ. Đến ngày 30/6, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng có công văn đề nghị Sở Xây dựng thu hồi văn bản nói trên với lý do tạo dư luận ảnh hưởng không tốt đến công tác cải cách hành chính của thành phố. “Vấn đề hiện nay là chính quyền phải nhất quán trong cách “hành xử” với người dân và doanh nghiệp, tạo nền móng và tiền đề tốt để doanh nghiệp kinh doanh và phát triển”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Đức cho rằng, điều quan trọng nhất là TP. Đà Nẵng cần mở rộng cửa đón doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động bằng hành động cụ thể, chứ không thể bằng lời nói “suông”, bởi cho dù chính sách tốt mấy chăng nữa, nhưng không có sự đồng hành của doanh nghiệp thì không thể thành công. “Việc kêu gọi doanh nghiệp đồng hành tham gia là giải pháp phù hợp nhất hiện nay”, ông Đức nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
06:41, 10/03/2020
16:30, 02/07/2020
16:53, 30/06/2020
09:40, 30/06/2020