Kinh tế toàn cầu dính cúm (Kỳ I): Chao đảo vì dịch Corona

Thy Hằng thực hiện 05/02/2020 16:44

Trao đổi với DĐDN, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định, dịch corona có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 giảm 2%, kéo theo GDP toàn cầu giảm 0,3%.

TS. Bùi Ngọc Sơn nhận định, dịch Corona là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn của Trung Quốc. Quốc gia này thậm chí sẽ phải nhượng bộ trong thương chiến Mỹ-Trung bởi những bất ổn về kinh tế và chính trị trong năm 2020.

- Theo ông, dịch viêm phổi corona sẽ tác động như thế nào tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc?

Thiệt hại đương nhiên là lớn. Nhìn lại đại dịch SARS năm 2003 đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tới 2% xuống còn 9%. Phải sau hai quý sau đó, kinh tế nước này mới phục hồi trở lại.

Giả định mức thiệt hại của dịch Corona tương đương đại dịch SARS, tức giảm 2% GDP, thì mức dự báo tăng trưởng 6% của nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm còn 4%. Theo đó, năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc chỉ gia tăng thêm được 520 tỷ USD, thay vì 780 tỷ USD như dự tính. Như vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất hơn 200 tỷ USD về kinh tế do dịch Corona.

Điều đáng nói, dịch Corona có nhiều dấu hiệu thực tế cho thấy sẽ kéo dài nhiều tháng và thiệt nặng nề hơn, do đó tác động kinh tế sẽ lớn hơn đại dịch SARS.

Cụ thể, đại dịch SARS trước đây chỉ chủ yếu tập trung ở Hồng Kông trong khi dịch Corona lại xuất hiện và bùng phát ở giữa vùng trung tâm kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, đại dịch Corona bùng phát đúng giai đoạn tăng thu của nền kinh tế - Tết âm lịch.

Năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc chỉ gia tăng thêm được 520 tỷ USD, thay vì 780 tỷ USD như dự tính. Như vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ mất hơn 200 tỷ USD do dịch cúm Corona.

Và quan trọng hơn nữa, đại dịch Corona lần này có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát. Nếu năm 2003 là giai đoạn “mã phong” của nền kinh tế Trung Quốc thì hiện tại kinh tế Trung Quốc lại đang trong giai đoạn khó khăn, tăng trưởng kinh tế yếu hơn. Với tất cả những yếu tố khác biệt so với đại dịch SARS năm 2003, đại dịch Corona là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đã suy giảm mạnh vì thương chiến Mỹ- Trung.

- Nguyên nhân nào khiến dịch Corona như ông nói là “có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát? Chính quyền Trung Quốc đã ứng phó như thế nào với đại dịch này, thưa ông?

Giới chuyên gia thế giới đồng tình cho rằng, chính những lo lắng về một sự bất ổn chính trị giai đoạn nghỉ Tết đã dẫn tới sự che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc. 8 bác sĩ tại Vũ Hán đã bị bắt khi truyền tin về bệnh dịch này ở giai đoạn đầu. Việc giấu diếm dịch bệnh này tới hơn 1 tháng đã khiến số người chết gần đây gia tăng nhanh liên tục. Nếu không che dấu dịch bệnh, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này sẽ rất thấp, chỉ ở mức 3,2%.

Chuyên gia chống SARS của Hồng Kông đã phải “bỏ chạy” ngay khi vừa đặt chân đến Vũ Hán vì cho rằng đã “vỡ trận”. Lĩnh vực chuyên môn lại bị chính trị hoá quá nặng nề trong hệ thống điều hành của Trung Quốc khiến thông tin bị bưng bít, không được công bố kịp thời. Đây chính là lỗi gây ra sự bùng phát của dịch tới mức này.

Trái lại, với hệ thống phương Tây, các nhà chuyên môn sẽ công bố ngay khi có vấn đề, hiến pháp quy định giới chuyên môn có quyền này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẽ ra nên thay đổi cấu trúc nền kinh tế và bộ máy của mình. Tuy nhiên, ông lại sử dụng bộ máy cũ, đồng thời phung phí nguồn lực cho tăng trưởng nhanh để vượt Mỹ, khiến kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn khi các nước phản ứng lại.

Đại dịch Corona diễn ra đúng lúc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng giảm, năm 2020 tăng trưởng GDP nước này có khi chỉ đạt mức 4%, đặc biệt bất ổn xã hội và bất ổn chính trị có thể sẽ xảy ra. Năm ngoái, chính quyền nước này đã thực hiện việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất, nới lỏng vay Chính phủ cho các địa phương, cho phép bán trái phiểu để trả nợ,..., nhưng các cải cách nền kinh tế chưa được thực hiện. Đến giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc đang tập trung xử lý dịch nên những quyết sách về kinh tế còn chưa rõ ràng. Do đó, năm 2020 được dự báo là năm đặc biệt khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Dịch corona sẽ “nuốt chửng” 0,3% GDP kinh tế toàn cầu năm 2020

    Dịch corona sẽ “nuốt chửng” 0,3% GDP kinh tế toàn cầu năm 2020

    15:09, 11/02/2020

  • Nhật Bản viện trợ lô hàng 2.3 triệu yên phòng chống dịch corona tại Việt Nam

    Nhật Bản viện trợ lô hàng 2.3 triệu yên phòng chống dịch corona tại Việt Nam

    15:37, 08/02/2020

  • Đã sẵn sàng cho tình huốngp/xấu nhất của “đại dịch corona”

    Đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất của “đại dịch corona”

    15:27, 07/02/2020

- Nền kinh tế Trung Quốc “cảm cúm” sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn đại dịch SARS trước đây chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu, nhưng hiện tại đã chiếm tới 18-19% GDP toàn cầu. Cùng với đó là vị thế của nền kinh tế nước này đứng thứ 2 thế giới.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng là một trong những trung tâm của các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Do đó, kinh tế thế giới cũng sẽ “chao đảo” vì đại dịch Corona.

Theo tính toán sơ bộ, khi nền kinh tế Trung Quốc mất đi 2% GDP vì dịch Corona thì kinh tế toàn cầu sẽ mất đi 0,3% tăng trưởng.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,6% năm 2020. Tuy nhiên, mức này chắc chắn sẽ không đạt được, còn cụ thể mức nào cần tính toán thêm tác động của dịch.

Đặc biệt, sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc cũng gây ra tác động tới những nền kinh tế xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như Brazil, Argentina, Australia, Hàn Quốc, Indonesia... Cùng với đó, những nước phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng như Singapore, Hàn Quốc, Nhật…

Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu lớn sang Trung Quốc đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Trước mắt là xuất khẩu nông sản, khoáng sản đã “dính đòn”. Các ngành chịu thiệt hại lớn nữa là hàng không, du lịch, bán lẻ, hàng tiêu dùng thiết yếu...

- Từ sự ứng phó của các quốc gia với đại dịch Corona, Việt Nam cần xử lý như thế nào để “chống cúm” cho nền kinh tế, thưa ông?

Nhìn từ bài học của Trung Quốc sẽ thấy yêu cầu đầu tiên với Chính phủ các nước trong thời điểm này là minh bạch thông tin. Như hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang làm tốt điều này.

Chính phủ đã phản ứng rất nhanh, tình hình dịch Corona vẫn đang được kiểm soát. Mấy trăm người đi qua Trung Quốc phải được cách ly theo dõi. Tương tự tại Mỹ, tất cả người từ Trung Quốc về được đưa vào 8- 9 căn cứ quân sự để cách ly theo dõi.

Dịch Corona chắc chắn sẽ còn kéo dài vài tháng nữa, tối thiểu là mùa hè vì virus cúm sợ nóng. Do đó, Việt Nam phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch bệnh, thậm chí là trường hợp xấu nhất. Ít nhất ở hai miền Bắc và Nam phải có ngay bệnh viện dã chiến, cách ly ngay lập tức các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Virus Corona lây lan ngay khi chưa có triệu chứng bệnh, nguy cơ bùng phát cao khi chúng ta là nước gần nhất với Trung Quốc, lượng người Trung Quốc sang Việt Nam rất lớn, nhóm người Việt làm ăn với Trung Quốc cũng phức tạp. Do đó, chúng ta phải chấp nhận thiệt hại kinh tế ban đầu, “câu giờ” cho tới mùa hè để dịch bước vào giai đoạn thoái trào.

Các quốc gia cũng đang ráo riết truy tìm ADN của virus Corona để điều chế vắc xin, tuy nhiên để sản xuất cần thời gian dài.

Việt Nam cũng cần có kế hoạch chuyển hướng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu mà chủ yếu là nông sản khi Trung Quốc đang đóng cửa biên giới, đồng thời có tính toán điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Chắc chắn tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phải chững lại nhưng trong ngắn hạn. Khi bệnh dịch bước vào giai đoạn thoái trào, thì hoạt động đầu tư sẽ trở lại bình thường.

- Xin cảm ơn ông!

Kỳ II: Giải pháp đối với các nền kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế toàn cầu dính cúm (Kỳ I): Chao đảo vì dịch Corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO