Hơn 10 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, người ta đã ví von khối kinh tế tư nhân như “đội thuyền thúng” đi ra biển lớn để bày tỏ sự lo ngại trước quá trình hội nhập sâu rộng.
Giờ đây, khu vực này đã phát triển mạnh mẽ, thay đổi cả về chất và lượng, nhưng những trăn trở vẫn còn đó khi thống kê vẫn có đến 97% số doanh nghiệp tư nhân là quy mô vừa và nhỏ. 10 năm qua, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng, do đâu?
Vì sao chưa thể lớn?
Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân có thể sẽ đóng góp khoảng 70% GDP của Việt Nam, năm 2025 đóng góp khoảng 75%, đến 2030 đóng góp khoảng 80%. Tuy nhiên, điểm yếu của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay là qui mô doanh nghiệp còn quá nhỏ, thiếu các doanh nghiệp cỡ lớn và vừa.
Số liệu thống kê cho thấy, có đến 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, có đến 80% số doanh nghiệp tư nhân có vốn kinh doanh dưới 5 tỉ đồng và 87% số doanh nghiệp tư nhân sử dụng dưới 50 lao động.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đưa ra con số về quy mô doanh nghiệp tư nhân, quan trọng hơn như một chuyên gia kinh tế nhận định: “Khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự đủ lớn, việc trở thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế Việt Nam sẽ vẫn là kế hoạch”.
Có thể bạn quan tâm
18:16, 08/11/2019
05:02, 24/10/2019
15:30, 10/10/2019
15:43, 21/08/2019
11:15, 13/07/2019
Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về nguyên nhân của tình trạng “không lớn được” này. Trong đó, “tâm lý quản lý vẫn có cái gì đấy e ngại đối với kinh tế tư nhân” được ĐBQH Trần Văn Lâm thẳng thắn chỉ ra. Đáng nói là, tâm lý này lại không xuất phát từ những người đứng đầu Chính phủ mà do một số vướng mắc về tư duy ở các cấp thấp hơn.
Thực tế, ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nhiều lần về khái niệm “Nhà nước liêm chính, phục vụ”. Không chỉ dừng lại ở tuyên bố, Thủ tướng hiểu rõ cần phải có hành động. Và ông đã thiết lập ra Tổ công tác của Thủ tướng với 11 thành viên, đứng đầu là Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong đó nhấn mạnh việc thực thi Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.
Tinh thần của Người đứng đầu Chính phủ là như vậy nhưng các cấp thấp hơn dường như chưa thấm nhuần được. Hệ quả của nó là số điều kiện kinh doanh từng có thời “đẻ” ra đến hơn 5.200 điều kiện. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức”.
Tiên phong còn phải hứng nhiều “gạch đá”
Dường như doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng với cách đối xử tương xứng, như nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Nghịch lý của chúng ta là ở chỗ, chúng ta vẫn coi doanh nghiệp nhà nước, khu vực gây tổn hại nhất cho nền kinh tế, là chủ đạo; trong khi các doanh nghiệp tư nhân, với nhiều tỷ phú mới xuất hiện, chỉ được coi là lực lượng quan trọng sau 30 năm Đổi mới”.
Đáng tiếc là, các tập đoàn được kỳ vọng là những “sếu đầu đàn” dẫn dắt kinh tế tư nhân trở thành “rường cột” nước nhà như: Vin Group, VietjetAir, SunGroup, FLC... mà ông Thiên nhắc đến đúng như nghĩa đen của vai trò “tiên phong” này, ngoài việc phải đối mặt với đủ loại khó khăn về rào cản thể chế, vốn, thị trường và nguồn nhân lực thì còn phải “đứng mũi chịu sào” từ sức ép dư luận khi sắm vai “mở đường” trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã nhiều lần bày tỏ quan ngại: “Mỗi doanh nghiệp không nên chỉ được coi là tài sản riêng của các cá nhân giàu có mà còn phải được coi là nguồn lực, là sức mạnh quốc gia. Họ là lực lượng đại diện Việt Nam tham gia cạnh tranh toàn cầu, mang lại lợi ích phát triển cho đất nước. Phải nhìn cả khía cạnh ấy chứ đừng cứ vùi dập theo nghĩa là họ chỉ biết đút tiền vào túi rồi chiếm của xã hội nhiều quá. Nếu chỉ nhìn thế thì quá phiến diện. Trên mạng ai có ý kiến thì dễ, nhưng ra đối chất, thảo luận công khai ở các diễn đàn, thì khi đó phải thử thách bằng các luận điểm, luận chứng, chứ không thể vung ý kiến cá nhân ra được. Đừng để chỉ tự do ngôn luận cá nhân, nhiều khi thành “quá đà”, không phải thúc đẩy phát triển, mà thành cản trở phát triển”.
Thực tế, dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực để “nâng đỡ” kinh tế tư nhân, nhưng thành tựu vẫn dừng ở việc loay hoay cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI bày tỏ trăn trở: “Khảo sát PCI của VCCI những năm qua đã cho thấy sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp đang là một trong những mối quan ngại hàng đầu. Cần bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ “tài sản quốc gia”. Những nỗ lực này sẽ giúp an lòng doanh nghiệp và động viên họ cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia”.
Sự ủng hộ của Nhà nước, đồng thuận của cộng đồng và đồng lòng từ chính nội tại doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để làm nên những doanh nghiệp lớn. Không một nước nào lớn lên từ ngoại lực, tất cả phải nhờ nội lực của đất nước đó.
Những doanh nhân dân tộc thời kỳ mới đã sẵn sàng cho hành trình ghi tên Việt Nam vào bản đồ kinh tế thế giới, như lời ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group: “Chúng tôi mong muốn có được sự cởi trói, sự ủng hộ để doanh nghiệp tư nhân làm được nhiều hơn nữa cho đất nước, đóng góp cho những lĩnh vực mà trước nay chỉ có nhà nước làm hoặc chỉ có các Tập đoàn nước ngoài có thể làm được”.