Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế các tác động xấu đến môi trường.
>>Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng để xanh hoá doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp khởi nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Mô kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Việt Nam đã đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.
Chuyển chất thải thành tài nguyên: Có thể phục hồi vật liệu kỹ thuật bằng chu trình kỹ thuật thông qua các vòng lặp lại khác nhau: bảo trì và sửa chữa, tái sử dụng và phân phối lại, tân trang và chế tạo lại, và cuối cùng là tái chế.
Tài nguyên có nguồn gốc sinh học đi theo cách phục hồi khác, nguồn tài nguyên này tuần hoàn trở lại chu trình sinh học sau khi kết thúc vòng đời của mình để có thể tái sử dụng như là chất dinh dưỡng trong chu trình mới.
Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sáng tạo áp dụng nguyên lý, biện pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn vào quá trình xây dựng dự án kinh doanh, thiết kế từng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp để thay thế các nguyên liệu đầu vào truyền thống bằng các nguyên liệu tái tạo, dựa trên sinh học, phục hồi. Sản xuất nguyên liệu thô thứ cấp từ chất thải. Gia tăng tuổi thọ sản phẩm. Tăng cường sử dụng các sản phẩm và dịch vụ hiện có.
Chính sách đầu tư, ưu đãi, khuyến khích
Nhà nước khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật;
Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn.
Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật; Hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 3 và 4 Điều 56, Nghị định 08/2022/NĐ-CP: Việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp như tái sử dụng sản phẩm thải bỏ; Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng; Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ; Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật; Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật; Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.
Kinh tế toàn hoàn trong quản lý nước thải
1. Nước thải phải được quản lý để giảm khai thác, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Sử dụng tối đa giá trị của nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Xử lý và tái sử dụng nước thải trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật;
b) Xử lý và chuyển giao để tái sử dụng nước thải cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;
c) Chuyển giao cho đơn vị khác để xử lý, tái sử dụng theo quy định của pháp luật;
d) Xử lý, xả thải nước thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Phát triển bền vững cùng kinh tế xanh
Với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38%. Vào năm 2050, 57% người Việt Nam sẽ được đô thị hóa, do đó việc xây dựng kinh tế tuần hoàn tại các đô thị là hết sức quan trọng.
Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.
So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cần có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt những doanh nghiệp khởi nghiệp phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững mô hình kinh tế tuần hoàn.
Có thể bạn quan tâm