Mô hình kinh tế tuần hoàn: Nền tảng để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững

NGỌC DIỄM 22/07/2022 09:13

Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp khởi nghiệp...

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SD4B), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp.

>>Khai giảng Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SD4B), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SD4B), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, thế giới đang có những biến đổi sâu sắc và đối mặt với những thách thức to lớn. Theo Báo cáo đánh giá Rủi ro toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm 2022, nhân loại đang phải đối mặt với 03 thách thức, đó là: Biến đổi khí hậu ; Ô nhiễm môi trường và Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sự phát triển nóng của các hoạt động phát triển kinh tế không bền vững gắn với nền kinh tế tuyến tính truyền thống là nền kinh tế  khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, xả thải gây ô nhiễm môi trường và là tác nhân gây biến đổi khí hậu. Mỗi năm, hơn 100 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được được khai thác sử dụng cho nền kinh tế toàn cầu, từ khoáng sản kim loại và nhiên liệu hóa thạch đến các vật liệu hữu cơ từ thực vật và động vật. Trong số này, mới chỉ có 8,6% được tái chế và sử dụng lại.

Theo ước tính, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác tài nguyên như hiện nay thì đến năm 2050 (tức là chưa đến 30 năm nữa)  chúng ta sẽ phải cần có 03 trái đất mới đủ cung cấp tài nguyên cho các hoạt động của con người. Chính vì những lẽ đó, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế bền vững hơn là vô cùng cấp thiết. Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa đồng thời lợi ích kinh tế và môi trường, ông Tiến Huy chia sẻ.

Ông Tiến Huy nhận định, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp...
Hiểu một cách giản đơn thì khái niệm mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” hay “rác thải của quá trình sản xuất, sử dụng này lại là nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất khác” nghĩa là rác thải, sản phẩm đã qua sử dụng cũng phải được coi là tài nguyên, là nguyên vật liệu thứ cấp.

Vậy, mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn sẽ mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp, cho cộng đồng ?

Toàn cảnh zoom Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

Toàn cảnh zoom Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

Đó chính là: giúp tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên; bảo đảm cung cấp nguyên liệu ổn định; thay đổi, tạo ra nhu cầu, trong đó có nhu cầu đối với dịch vụ; tối ưu hóa quan hệ khách hàng, quan hệ chuỗi cung ứng, tăng khả năng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu; giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, tạo ra lợi nhuận mới. Theo ước tính của Liên minh châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra cho các nước thành viên Liên minh châu Âu lợi ích là 600 tỷ euro và 580.000 việc làm mới mỗi năm. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số ước tính, nhưng chắc chắn cũng sẽ rất lớn.

Đặc biệt, đối với các bạn doanh nghiệp khởi nghiệp như các bạn học viên đây thì việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chính là động lực và là cơ hội để các bạn sáng tạo, thiết kế, tìm ra cách đi mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để đi tắt, đón đầu xu thế và cũng là cơ hội để các bạn tiếp cận, huy động những nguồn tài chính xanh mà rất nhiều quốc gia, cơ quan, tổ chức cam kết cung cấp.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, trong hành trình gần 60 năm xây dựng và phát triển, VCCI đã luôn chủ động, nỗ lực và tiên phong trong thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững. Năm 2018, VCCI đã đưa ra các đề xuất, khuyến nghị về việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn tới các cơ quan quản lý nhà nước và phổ biến các kinh nghiệm quốc tế, các mô hình tiêu biểu về kinh tế hoàn đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Tiến Huy khẳng định.

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và công bố báo cáo đánh giá về khả năng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn của doanh nghiệp thuộc một số ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đề xuất những bộ công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh doanh tuần hoàn. VCCI cũng đã công bố Báo cáo đánh giá về tiềm năng phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp. Và trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ hợp tác với UNDP để phát triển mô hình “sàn giao dịch nguyên vật liệu thứ cấp”. VCCI đã chủ động hợp tác với các bộ, ngành, đối tác trong và ngoài nước đề xuất giải pháp và triển khai thúc đẩy xây dựng thị trường tín chỉ các-bon; hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, coaching doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất xanh và xử lý, thu hồi, tái chế khí thải, rác thải…; liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới; và VCCI còn làm cầu nối để giúp các doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn tài chính xanh.

Đặc biệt, trong gần 10 năm qua, VCCI đã tiến hành xây dựng và hoàn thiện Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), đây là bộ công cụ hữu hiệu để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững…

Trong Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 07/06/2022 vừa qua Phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thì VCCI tiếp tục được giao các nhiệm vụ quan trọng, đó là:

Phối hợp với các đơn vị, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội đối với môi trường nói chung và chủ động tiếp cận mô hình KTTH, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Chủ động trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện mô hình KTTH, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.

VCCI đang tiếp tục nỗ lực xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, mà khóa tập huấn của chúng ta ngày hôm nay là một trong những hoạt động thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao. 

Ông Tiến Huy mong rằng, sau khóa tập huấn chuyên sâu về kinh tế tuần hoàn các bạn học viên sẽ có những sáng tạo để làm việc hiệu quả, thiết thực, bổ ích.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng để xanh hoá doanh nghiệp khởi nghiệp

    Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng để xanh hoá doanh nghiệp khởi nghiệp

    09:56, 22/07/2022

  • Khai giảng Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

    Khai giảng Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

    08:56, 22/07/2022

  • Ngày 22 - 24/7: Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

    Ngày 22 - 24/7: Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

    00:00, 17/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình kinh tế tuần hoàn: Nền tảng để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO